Những việc cần làm trong lễ tảo mộ
Ông Nguyễn Văn Trạch (Bắc Giang) chia sẻ, năm nào cũng vậy cứ sang tháng 2 là ông tìm quyển lịch cổ mở ra chọn trong khoảng 20 ngày tiết Thanh minh xem ngày lành, giờ tốt, lại vào ngày nghỉ cuối tuần thì lấy đó để làm ngày cả họ đi lễ tiết Thanh minh (mà các con cháu trong họ gọi vui là "đi thăm tổ tiên".
Chon được ngày phù hợp, giờ tốt rồi thì ông gọi điện báo cho các con cháu họ Nguyễn đi làm ăn ở xa biết đúng ngày ấy "họ" sẽ tổ chức "đi thăm các cụ", làm lễ Thanh minh rồi về nhà ông ăn uống vui vẻ. Nhờ có Trưởng họ chu đáo nên tiết Thanh minh năm nào họ Nguyễn nhà ông Trạch con cháu cũng rầm rộ tay liềm, tay cuốc đi ra nghĩa trang thăm mộ phần người thân, đắp thêm đất, sửa sang lại mộ phần...
Việc làm của dòng họ Nguyễn nhà ông Trạch dân làng rất khen ngợi vì giữ được nếp nhà, lễ nghĩa, trân trọng tổ tiên, âm phần yên ổn.
Tảo mộ tiết Thanh minh là phong tục tập quán truyền thống, thể hiện sự hiếu thuận, biết ơn, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên nên rất quan trọng trong mỗi gia đình, dòng họ, thường làm từ 5/4 đến 21/4 dương lịch.
Những việc cần làm trong lễ tảo mộ tiết Thanh minh là:
- Dọn sạch sẽ, phong quang xung quanh mộ phần. Nhổ cây cỏ dại mọc quá cao trên mặt mộ, phát quang bụi rậm, đắp bồi thêm đất, trồng thêm hoa tươi, quét dọn tứ phía sạch sẽ… Nếu là mộ đất có thể đắp nấm cho tròn đầy, rẫy hết cây cỏ dại mọc trùm lên mộ để giảm bớt nạn rắn, chuột đào hang, làm tổ.
- Quan sát phần mộ, nếu thấy mộ nứt (nhất là mộ vùng trũng, thấp), hoặc có hiện tượng bị con vật đào hang, đào lỗ thì cần cải tạo sớm.
- Bát hương, chén nước, lọ hoa có nứt vỡ thì sắm lại.
- Kiểm tra xem có nước chảy vào phần mộ không. Những ngôi mộ táng ở đồng ruộng cũng cần kiểm tra xem vụ đông xuân vừa qua cày bừa, xới đất có va chạm hay vứt cành cây, cỏ rác... vào mộ phần nhà mình không.
- Khi thắp hương cho thân quyến hãy thắp hương cho các mộ lân cận (nếu có thể), cầu nguyện, hồi hướng cho những vong linh sớm được siêu thoát.
- Các vong linh ở nghĩa trang cần niệm Phật nhất, chỉ cần niệm 6 chữ "Nam mô A di đà Phật" cũng làm vong linh nhẹ nhàng, bớt đau khổ rất nhiều rồi.
Tùy nhà và phong tục vùng miền mà sắm lễ tạ mộ khác nhau. Ảnh minh họa.
Sắm lễ tảo mộ
Lễ tảo mộ tùy tâm, nhưng chỉ cần hương hoa, oản quả, trầu cau, một ít vàng mã. Mâm cỗ chay hay mặn (tùy nhà), mọi thứ nên bày biện đẹp mắt, nhưng không đặt trực tiếp ở mộ phần, mà chỉ đặt ở ban thờ Thần linh.
Tuỳ gia chủ có thể cúng vàng mã hoặc không, nhưng không nên dùng nhiều vì lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Tất cả đồ lễ phải bày biện gọn gàng, nếu có bàn kê, mâm đỡ sẽ thêm trang nghiêm. Tùy điều kiện gia chủ mà thêm bớt lễ vật, nhưng quan trọng nhất là lòng thành tâm tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên.
Theo quan điểm của Chuyên gia Phong thủy Tam Nguyên(Công ty TNHH Kiến trúc phong thủy Tam Nguyên), nơi mộ phần không nên sắm lễ lớn bởi các vong linh xung quanh có thể quấy nhiễu. Các con cháu muốn dâng cúng gia tiên thì lễ Thanh minh xong mời các cụ về nhà ăn cỗ, rồi muốn cúng gì thì mới cúng.
Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong tiết Thanh minh.
Tạ mộ là dịp tưởng nhớ tổ tiên. Ảnh minh họa.
Những người tuyệt đối không đi tảo mộ tiết Thanh minh
Ông Hà Thanh (Viên Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người) cho rằng, ở các nghĩa trang lớn, hay nghĩa trang dòng họ đều có nhiều trường khí xấu ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy những người dưới đây được khuyên không nên đi tảo mộ tiết Thanh minh:
- Tất cả phụ nữ có thai;
- Phụ nữ trong kỳ "đèn đỏ";
- Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi;
- Người già yếu, người đau ốm bệnh tật, sức khỏe không tốt...
Tất cả những người trên tuyệt đối không đi tảo mộ tiết Thanh minh, bởi dễ bị nhiễm năng lượng xấu mà sinh bệnh thời khí, phong hàn, nhiễm năng lượng âm… sinh tâm lý sợ hãi, rồi cho là đi ra nghĩa trang bị ma tà, quỷ quái quấy nhiễu mà trở thành "mồi" cho các chiêu trò mê tín.
Uyển Hương