Tháng “cô hồn”, người ta thường kiêng mua bán nhà đất, cần chọn “ngày lành tháng tốt” để mua, giúp gia chủ gặp được nhiều tài lộc... Ảnh minh họa
Ám ảnh tâm lý kiêng kị tháng “cô hồn”
Vợ chồng chị Hạ Thị Dung nghe mọi người nói, “tháng 7 mưa ngâu, đi đâu cũng ướt áo", rồi tháng 7 Âm lịch là tháng “cô hồn” cần tránh làm những việc lớn nên cũng đắn đo việc mở cửa hàng bán đồ trẻ em vào cuối tháng 7 này. Nhưng nếu không tiến hành ngay thì chị sẽ không còn cơ hội.
Chị Dung kể, vợ chồng chị muốn mở cửa hàng luôn tháng này vì có mối nhập hàng giá rẻ. Tuy nhiên, khi mẹ chị biết kế hoạch khai trương cửa hàng của vợ chồng chị trong tháng “cô hồn” thì nhất quyết phản đối bảo chờ sang tháng sau mới được nhập hàng, buôn bán. Mẹ chị bảo, chẳng ai mở hàng khai trương tháng 7, nhất là lại khai trương cửa hàng đồ dùng trẻ em và nói rằng, nếu có mở ra cũng chẳng có khách. Theo bà, nhiều cửa hàng bán đồ họ còn tung nhiều chiêu khuyến mãi mà không có người mua, thậm chí đóng cửa đi chơi vì tháng này mọi người “kiêng mua sắm”.
Cho rằng, kiêng kỵ mua sắm vào tháng 7 Âm lịch là không có cơ sở khoa học nên anh Vũ Văn Dương (ở Văn Quán, Hà Nội) đã định mua cho vợ ô tô. Anh bảo: “Nhiều người còn sợ không dám mua xe, mua nhà trong tháng này vì sợ gặp xui xẻo. Tôi thì nghĩ rằng, mua xe tháng 7 Âm lịch thường dễ hơn vì tháng này các hãng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và hàng loạt phần quà đi kèm khác như phụ kiện chính hãng, dán kính, phủ nano, tặng đồ chơi xe hơi… Khâu làm thủ tục đăng ký xe cũng sẽ nhanh hơn so với những tháng khác trong năm”.
Tuy vậy, trước những lời khuyên của mọi người cho rằng không may mắn, an toàn khi mua xe tháng cô hồn. Bản thân vợ anh Dương là chủ nhân chiếc xe sau này cũng bày tỏ thái độ lăn tăn khi mua xe tháng cô hồn… nên anh Dương cũng đành tặc lưỡi chờ đợi cho nhanh qua tháng mới xuống tiền đặt xe ô tô cho bà xã yên tâm, dù biết mất thêm cả một mớ tiền.
Mua nhà, mua xe, tổ chức đám cưới với giá hời
Theo chuyên gia văn hóa GS Ngô Đức Thịnh, việc kiêng gì hay làm gì trong tháng “cô hồn” chỉ là từ dân gian đặt ra chứ không có cơ sở nào giải thích điều gì đúng, điều gì sai. Điều này giải quyết vấn đề tâm lý cho người dân vì ai cũng nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Trường hợp nếu không quá cấp thiết giải quyết việc trong tháng này, nếu kiêng được, tâm lý sẽ vui vẻ an tâm hơn. “Chứ chẳng có chứng minh khoa học nào đưa ra không kiêng những cấm kỵ tháng 7 Âm lịch sẽ gặp họa, ngược lại kiêng sẽ gặp điều lành. Mọi người đừng nghĩ, vì những kiêng kỵ không có căn cứ mà mất đi những cơ hội hiếm có của chính bản thân mình, bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng quá mức”, GS Thịnh nói.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc sau Rằm tháng 7 có cần phải kiêng kỵ nữa hay không, ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA ) cho rằng, việc kiêng kỵ tháng “cô hồn” tùy lĩnh vực cụ thể, không phải cái gì cũng kiêng. Mọi người cần tránh kiêng thái quá và cũng tùy việc mà nên kiêng hết Rằm tháng 7 Âm lịch. Không phải vì kiêng kỵ mà dừng lại mọi hoạt động trong tháng này. Điều đó là hết sức phi lý.
Sở dĩ nhiều gia đình kiêng làm những việc quan trọng như động thổ, xây nhà, cất nóc… là do tháng 7 Âm lịch mưa nhiều, thời tiết bất lợi nên khi làm trong điều kiện này dễ ảnh hưởng. Nhiều khi bản thân chúng ta không kiêng cũng không thể làm được hoặc làm không suôn sẻ bởi tác động của tâm lý đám đông, dư luận xã hội ám thị “kiêng tháng cô hồn”. Chẳng hạn như bạn muốn bán nhà, bán đất hay làm hợp đồng mua bán… nhưng nhiều người mua kiêng tháng này thì mình cũng khó bán. Suy nghĩ làm việc gì trong tháng 7 Âm lịch, cô hồn quấy phá là điều phi khoa học.
Ông Khanh nhấn mạnh rằng, những việc lớn trong gia đình cần được tiến hành phù hợp với thời gian mà gia đình mình sắp xếp được chứ không nên dựa vào những quan niệm tâm linh xưa cũ.
Mọi người cũng có thể lợi dụng tháng “cô hồn” này để “chớp” thời cơ làm một số việc. Chẳng hạn như mua bán nhà đất hay mua xe ô tô trong tháng “cô hồn” là một lựa chọn khôn ngoan giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền lớn do tháng này các công ty bất động sản, các hãng xe ô tô có nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu.
Ngay như cả việc cưới, bạn cũng có thể tận dụng tháng 7 kiêng kị mà thực hiện chụp ảnh cưới, mua đồ cưới, nhẫn cưới… vì được giảm giá nhiều so với mùa cưới.
“Để tránh những rủi ro không đáng có cần sáng suốt nhìn nhận sự việc, không nên quá kiêng kỵ, tin vào những điều không có cơ sở khoa học để rồi ảnh hưởng đến cuộc sống. Bên cạnh việc kiêng cữ cũng nên có niềm tin vào câu nói “Đức năng thắng số”. Một người sống bản lĩnh, đạo đức, sự kiên cường và niềm tin của con người có thể chiến thắng số mệnh. Do vậy, hãy thường xuyên làm điều thiện, điều tốt, tin vào những điều tốt lành sẽ có thể đẩy lùi cái xấu, cái không may mắn…”.
Theo ông Vũ Thế Khanh
Hà My