Táo quân là những vị nào?
Cúng Táo quân (cúng ông Táo) là đại lễ, là 3 vị thần tiên được trời phái xuống cai quản trần gian, chuyên trông coi sinh hoạt trong nhà và bếp núc – táo phủ thần quân.
Theo tích xưa Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là 3 vị thần tiên được Ngọc Hoàng phái xuống xuống cai quản trần gian, chuyên trông coi sinh hoạt trong nhà và bếp núc nơi hạ giới, gồm:
1. Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần - cai quản đất đai âm trạch và long mạch của gia đình gọi là "Thổ thần thổ địa".
2. Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân - cai quản toàn bộ sinh hoạt, bếp núc gia đình - là vị thần tấu sớ lên Ngọc Hoàng, gọi là "Thổ công táo quân".
3. Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần - cai quản toàn bộ việc mua bán hàng hoá đồ ăn thức uống cho gia đình, gọi là "Thổ kỳ".
Sự tích 3 vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà", dân gian gọi chung là Táo quân (còn gọi là Định Phúc Táo Quân) nhưng mỗi người giữ một việc trong các gia đình.
Với các nhà phong thủy, bếp nhà phản ánh tài sản, tài lộc trong nhà, nhìn bếp là biết giàu nghèo qua bữa ăn, chất lượng bữa ăn sung túc hay không, khoa học, đủ chất hay không... Bếp do phụ nữ quán xuyến. Vào bếp thấy bừa bộn cẩu thả thì gia đình đó không hạnh phúc. Gian bếp gọn gàng thì gia đình yên ổn. Việc thờ thần bếp ở mỗi gia đình là tín ngưỡng có từ xa xưa, ý mong muốn một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.
Lễ vật dâng cúng Táo
Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tai nghe mắt thấy, tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực.
Lễ vật cúng Táo quân của người Việt gồm có 3 bộ mã gồm mũ, áo, hài trong đó 2 bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông, 1 bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Theo đó thì Thổ công bộ đỏ, Thổ địa bộ vàng, Thổ kỳ màu trắng.
Tùy vùng miền và gia cảnh mà biện lễ hoa, quả, cau trầu, oản, nến, xôi đỏ, gà trống trắng, 3 ly rượu đỏ - trắng – vàng, ba ly trà khác loại, vàng mã... chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ.
Theo tài liệu của ông Phan Kế Bính ghi lại năm 1915 cho biết, người Việt Nam cúng Táo quân 1 đôi hoặc 3 con cá chép để làm "ngựa" cho Táo lên trời.
Tục cúng cá chép chỉ người miền Bắc hay làm, ngày nay họ cúng 3 con cá chép đỏ sống (nếu mua được 3 con 3 màu, đỏ, vàng, trắng càng tốt) thả vào chậu nước. Sau khi cúng Táo quân xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là phóng sinh cá (theo tích cá chép hóa rồng) để đưa ông Táo về trời.
Muốn phóng sinh rùa nên mua loại to. Ảnh minh họa.
Ngoài cá chép có thể phóng sinh rùa - linh vật hiền lành, khiêm tốn, hạ mình, trường tồn. Theo tâm linh, rùa là linh vật được lên chùa đội bia, cõng hạc. Rùa có công năng giải thoát được những vận hạn bế tắc, tìm kiếm may mắn. Muốn phóng sinh rùa nên mua rùa to càng tốt (lưu ý là không dùng rùa tai đỏ vì loài đó làm hại môi trường).
Mua rùa về thì dùng bút nhũ bút (hoặc bút xóa) viết họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ lên mai rùa. Bút nhũ/ xóa viết lên mai rùa có tác dụng khi gặp nước sẽ không bị tan mất, lỡ có ai bắt được rùa họ sẽ thả vì biết đó là rùa phóng sinh. Sau đó chọn ngày tốt, giờ tốt, có thể vào ngày cúng Táo quân mang ra hồ, sông thả. Trước khi thả cần bày hoa quả, tiền vàng, thắp hương khấn vái rồi thả.
Nếu không có lễ vật, vàng hương thì ngửa mặt trời xanh khấn: "Hôm nay ngày.... tháng.... năm.... Con tên là... Địa chỉ... xin phóng sinh rùa. Nguyện giải tỏa bế tắc, kiếp nạn... Mong muốn cầu tài lộc... ". Những lời cầu cần có lý, đừng tham lam, hay cầu khẩn vô lối.
Cúng Táo quân năm nay hiện còn ngày 22, 23 tháng chạp. Nhiều nơi cúng Táo xong trước ngày 23 tháng Chạp với mục đích tiễn Táo quân về trời đúng ngày.
Thạc sĩ - Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng
(Viện Phong thủy Hoàng gia Việt Nam)