Xương rồng tai thỏ (tên khoa học Opuntia microdasys) xuất xứ từ Mexico, đặc trưng bởi về ngoài giống đôi tai thỏ. Khi trưởng thành, cây có thể đạt chiều cao gần một mét. Xương rồng tai thỏ nở hoa trắng hoặc vàng vào mùa hè.

Screen-Shot-2022-04-08-at-13-4-2761-7466-1649402347.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jYOshY1QyWRkC27eTKqQ5Q

Hình dáng giống tai thỏ của xương rồng tai thỏ sẽ giúp căn nhà thêm dễ thương. Ảnh: The Spruce

Dưới đây là những điều nên biết khi bạn trồng xương rồng tai thỏ trong nhà.

Ánh sáng

Tốt nhất, xương rồng tai thỏ nên tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp 6-8 tiếng một ngày. Khi ở trong nhà, nó cần được đặt ở chỗ nhiều nắng nhất.

Đất

Như hầu hết các loài xương rồng khác, xương rồng tai thỏ cần đất khô, pha cát, thoát nước tốt, độ pH từ chua đến trung tính. Bạn có thể mua hỗn hợp đất trồng xương rồng đóng sẵn hoặc tự làm bằng cách trộn đất, cát, đá trân châu với tỷ lệ bằng nhau.

Nước

Xương rồng tai thỏ có khả năng chịu hạn tốt, nó vẫn sống sót ngay cả khi gia chủ quên tưới hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Trước mỗi lần tưới cây, bạn hãy kiểm tra xem đất đã khô hoàn toàn chưa. Nếu không chắc, hãy chờ thêm vài hôm. Xương rồng tai thỏ rất nhạy cảm với nước và dễ bị thối rễ nếu tiếp xúc với độ ẩm quá cao.

Nhiệt độ và độ ẩm

Xương rồng tai thỏ cần sự khô ráo, ấm áp và không chịu được sương giá cũng như độ ẩm quá cao. Nhiệt độ lý tưởng cho loài cây này là từ 21 đến 37 độ C song nó vẫn chịu được thời tiết 7-10 độ C.

Phân bón

Xương rồng tai thỏ không cần bón phân thường xuyên, thậm chí sống tốt trong đất kém chất lượng. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy sự sinh trưởng của cây, bạn có thể bón phân vào đầu mùa xuân.

Nơi nên đặt

Lý tưởng nhất, bạn hãy đặt chậu xương rồng tai thỏ ở cửa sổ hướng Nam hay hướng Tây. Nên tránh phòng tắm hoặc bếp bởi xương rồng tai thỏ ưa khô ráo.

Cảnh báo

Các đốm trên xương rồng tai thỏ thực chất là những cụm gai nhỏ, khi đâm vào da sẽ gây ngứa. Nếu không may bị gai đâm, bạn hãy dán băng dính lên vùng da tổn thương rồi giật mạnh để lấy gai ra.

Minh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022