Chú Tuấn (61 tuổi) đang là chủ một doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết. Còn cô Lý (51 tuổi) là hiệu trưởng một trường Tiểu học và THCS. Hiện cô chú Tuấn đang sống trong 1 căn nhà 3 tầng ở Đông Hưng, Thái Bình cùng với 2 cô con gái của mình.
Tưởng hàng rẻ tiền, vì lý do không ngờ mà chậu hoa lan này có giá 700 triệu đồngĐọc ngay
Theo chú Tuấn cho biết, chú mới trồng lan được 3 năm nay. Trước khi trồng lan, gia đình chú có một vườn cây ăn quả sau nhà và trồng 1 số loại rau để có rau xanh ăn quanh năm mà không phải mua ngoài.
"Cô chú chỉ có 2 cô con gái đi làm, đi học xa nhà nên nhà chỉ còn 2 vợ chồng, sau thời gian đi làm về thì cũng buồn. Trong khoảng thời gian này, cô chú có lên mạng xem tin tức và thấy bạn bè chia sẻ ảnh nhà trồng lan.
Cô chú ban đầu chỉ ngắm thôi, nhưng sau đó thấy mọi người chia sẻ nhiều thì tò mò, mua 1 vài giống cây trồng thử. Cô chú chăm cây hàng ngày như việc tập thể dục buổi sáng/chiều, ngắm hoa nở, làm giảm căng thẳng mỗi khi đi làm về rồi thành "nghiện" lúc nào không hay", chú Tuấn chia sẻ.
Người đàn ông 61 tuổi này cũng kể rằng, vườn lan nhà chú chủ yếu trên tầng 3 để tiện chăm sóc. Ngoài ra tầng 1 và 2, chú Tuấn hay bày những cây lan đã nở hoa đẹp để con cái, hàng xóm cũng như một số người bạn thích lan đến ngắm cùng.
Những giò lan khoe sắc là niềm tự hào của vợ chồng chú.
Thực tế, ban đầu mới trồng lan, chú Tuấn mua giò lan không nhiều. Rồi dần dần, số lượng cứ thế tăng lên. Cho đến bây giờ, chú Tuấn cũng không nhớ chính xác chi phí bao nhiêu.
Tuy nhiên, chú Tuấn cho rằng, đầu tư vào vườn lan cũng không quá lớn vì chú thường tận dụng các thanh gỗ ở vườn nhà để làm giàn, máy bơm, lưới che và một số vật liệu có sẵn.
Mục đích gia đình chú trồng để ngắm nên cứ tăng số lượng dần lên.
Gia đình chú chỉ đầu tư mua giống lan và chậu nên cũng tùy vào từng loại mà giống cây có thể đắt, rẻ khác nhau. Để trồng lan, chú Tuấn lên mạng tìm kiếm các giống lan, chỗ bán lan uy tín cũng như chu trình trồng, chăm sóc lan.
Đặc biệt, chú cũng chịu khó giao lưu với một số cô chú khác trong khu đang trồng lan để hiểu hơn về cách chăm sóc cây. Cho tới đây, sau gần 3 năm trồng lan, hành lang nhà chú đã trở thành 1 vườn lan nhỏ với khoảng 100 giò.
"Các giống lan của nhà chú trồng hầu hết là các giống phổ biến và phù hợp với các gia đình có diện tích hạn chế như: hồ điệp, phi điệp, kiều vàng, kiều tím, sơn thủy tiên, hoàng lạp, tai trâu, long tu, vũ nữ, trầm,…", chú Tuấn cho biết.
Khi mới trồng lan quanh hành lang 3 tầng nhà, cô chú Tuấn cũng gặp những khó khăn nhất định:
"Ban đầu chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc nên khi mua về có giống bị kém, có khi không chăm sóc đúng cách, có khi mua giống đắt ở vùng cao về nhưng không phù hợp với khí hậu đồng bằng nên có rất nhiều cây bị chết hoặc không ra hoa, có cây mua 3 năm chưa ra hoa.
Hơn nữa diện tích hẹp, bao gồm các hành lang nên không có nhiều chỗ mở rộng. Khu vực có độ ẩm, hướng nắng cũng khó để thay đổi. Nhiều khi lan cần chăm sóc thường xuyên nên khi trồng nhiều lên, bản thân chú chưa được đi đâu xa vì lỡ "nghiện" lan, đi chỉ sợ đi không ai chăm cây, cây sẽ chết".
Riêng về thuận lợi khi trồng lan quanh nhà, chú Tuấn chia sẻ: "Không gian nhỏ gọn, dễ chăm sóc. Hành lang thoáng nên rễ cây phát triển tốt. Các gia đình chỉ cần có 1 khoảng không gian/hành lang nhỏ đã có thể có vài giò lan để thư giãn, ngắm hoa nở rồi".
Các giống lan của nhà chú trồng hầu hết là các giống phổ biến và phù hợp với các gia đình có diện tích hạn chế như: hồ điệp, phi điệp, kiều vàng, kiều tím, sơn thủy tiên, hoàng lạp, tai trâu, long tu, vũ nữ, trầm.
Theo ông chủ nhà 61 tuổi này, chơi hoa phong lan cũng không quá khó khăn. Để có hoa phong lan ngắm cả năm và tươi tốt suốt 4 mùa, chủ nhà như chú Tuấn chỉ cần chú ý những điểm cơ bản sau:
- Chọn loại chậu, kích cỡ chậu phù hợp với từng giống lan, nên đôi khi mua về không hợp lại phải mua chậu khác.
- Chọn giống lan, trồng xen kẽ để lan ra hoa xen kẽ nhau.
- Không ghép lan vào chậu quá chặt khiến cây dễ bị úng, rễ không phát triển được.
- Không trồng quá sâu, chỉ cần cầm cây lan đặt nhẹ lên giá thể trong chậu và cố định vào que hoặc dây móc, thành chậu.
- Không dùng quá nhiều dây kim loại, đinh to làm xước thân lan.
- Cần cắt tỉa rễ củ trước khi ghép.
- Ghép các cây lan cùng tuổi, cùng kích cỡ
- Bón phân vừa đủ, không nhiều quá.
- Không trộn nhiều loại phân mà không cùng thành phần
- Lan bệnh thì ngưng bón phân.
Chú Tuấn cho biết bố trí lan trong nhà, để chậu hoa lan chơi được lâu cũng không quá khó khăn.
Đặc biệt khi bố trí lan trong nhà, để chậu hoa lan chơi được lâu, người đàn ông này khuyên: "Cần chú ý điều kiện sinh trưởng tối ưu cho lan; có ánh sáng mạnh, nhưng tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời; độ ẩm cao, nhiệt độ dưới 30 độ. Bên cạnh đó, lựa chọn phân thích hợp như que dinh dưỡng sinh học. Ngoài ra, phải chăm chỉ tưới đủ nước cho cây không nhiều làm úng, rụng lá, rụng hoa cũng không tưới ít nước quá khiến cây chậm phát triển".
Ảnh: NVCC