Theo chuyên gia phong thủy Tam Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên), lễ Tạ Táo là một nghi lễ quan trọng cuối năm, nhằm tiễn 3 vị Táo Quân về trời bẩm báo cho Ngọc Hoàng biết tình hình năm vừa qua của gia đình.
Trong các vị thiện thần thì Táo Quân được nhiều người biết là vị thần cai quản bếp núc trong nhà, ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu người nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc Hoàng. Theo sách "Kính Táo toàn thư" thì "Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó" (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.
Cúng Táo Quân là nghi lễ không thể thiếu cuối năm. Ảnh minh họa.
Hàng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời - nên ngày này gọi là "Tết ông Công, ông Táo". Các cụ xưa sắm lễ Táo quân bày biện như sau:
- Hương thơm.
- Hoa tươi (hoa cúc vàng).
- 3 quả cau, 3 lá trầu.
- Đĩa ngũ quả (5 loại quả 5 màu).
- 1 bao thuốc + 1 gói chè cúng.
- 1 chén rượu, 1 chén trà khô, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối
- Đồ ngọt (bánh mứt kẹo, bánh cốm, bánh vừng...) bày vào đĩa to.
- 1 đĩa xôi và 1 con gà luộc.
- 1 mâm cơm canh có 3 loại thịt.
Mâm cúng Táo xưa thường có khẩu thịt luộc. Ảnh minh họa.
Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ như trên hoặc cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống.
Nếu là cỗ chay thì đơn giản với hoa quả, trầu cau, vàng mã để tiễn Táo quân về trời.
Mâm lễ bày tỏ lòng tôn kính, chứng mình tâm đức lòng thành của gia chủ, biết ơn 3 vị Táo đã phù hộ cho gia đình an cư lạc nghiệp, sức khỏe bình an, tăng tài tiến lộc, gia đạo hưng vượng, công thành danh toại... và mong ước năm sau an khang thịnh vượng hơn năm trước.
Năm nay lễ tạ Táo nên làm vào 2 ngày tốt, giờ tốt như sau:
• Ngày 22 tháng Chạp (ngày Nhâm Ngọ). Giờ tốt: giờ Ngọ (11h-13h).
• Ngày 23 tháng Chạp (ngày Quý Mùi). Giờ tốt: giờ Tị (9g-11g); giờ Ngọ (11h-13h).
Ngọc Hà
(Nguồn: Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên)