Tháng Chạp hay còn gọi là tháng thứ 12 âm lịch, là tháng cuối cùng của một năm và là tháng thứ 13 nếu năm nhuận. Năm nay, ngày Rằm tháng Chạp rơi vào thứ Tư là 27/1/2021 dương lịch. Trong lễ cúng này, các gia chủ yếu cầu khấn sức khỏe, bình an cho cả gia đình, mong cho những điều xui rủi ở trong năm nhanh chóng qua đi để chào một năm mới đến.
Người xưa vẫn thường có câu rằng "Lễ quanh năm không bằng lễ tháng Giêng". Thế nhưng, hiện nay nhiều người rất coi trọng lễ cúng Rằm tháng Chạp. Họ cho rằng cúng Rằm tháng Chạp phải khác các ngày rằm khác trong năm. Về điều này, Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình) cho rằng, quan niệm này có thể xuất phát từ việc mọi người cho đây là rằm cuối cùng của năm nên chú trọng hơn để tháng cuối cùng của năm này được trọn vẹn, tươm tất nhất có thể.
Cúng Rằm tháng Chạp cũng giống như cúng các ngày rằm khác trong năm. Ảnh minh họa
Thường sau lễ cúng Rằm tháng Chạp, mọi người đã thấy không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp. Không ít gia đình sau Rằm tháng Chạp đã bắt tay vào chuẩn bị những vật dụng và nghi lễ cần thiết để hoàn tất năm cũ và đón năm mới với các nghi lễ cúng sau đó như: Cúng ông công ông Táo 23 tháng Chạp; cúng tất niên; cúng giao thừa…
Các chuyên gia phong thủy cho rằng tùy theo phong tục địa phương và nếp sống từng nhà mà lễ cúng Rằm tháng Chạp có khác nhau về thời gian, đồ lễ cũng như nghi lễ cúng khấn. Về ngày giờ cúng rằm tháng Chạp thế nào tốt, từ xưa đã quan niệm lễ cúng rằm tháng Chạp nên cúng vào đúng ngày.
Tuy nhiên, nhiều gia đình với công việc bận rộn nên thực hiện làm lễ cúng rằm tháng Chạp trước vào tối ngày 14 âm lịch. Điều này là không đúng. Việc cúng rằm vào các ngày khác sớm quá hoặc muộn quá đều không đúng. Khi làm lễ cúng tốt nhất cần thực hiện xong trước khi trời tối.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, lễ vật cúng Rằm tháng Chạp không cần quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà quan trọng hơn cả là gia chủ cần phải thành tâm, thành ý. Tùy vào vùng miền, địa phương và văn hóa mỗi nhà mà lựa chọn đồ lễ dâng lên phù hợp là đồ chay hoặc mặn. Lưu ý các gia đình không nên lạm dụng đốt quá nhiều vàng mã khi cúng.
- Với những gia đình thích đơn giản có thể cúng chay với trầu cau, hoa quả, hoa tươi, hương đèn, nước sạch… hoặc cầu kỳ hơn thì làm mâm cỗ gồm những món chay cũng được. Hoa nên chọn các loại hoa thường dùng là hoa huệ, hoa cúc… là những loài hoa có ý nghĩa tâm linh.
- Với đồ lễ cúng mặn, các gia đình có thể chuẩn bị những món ăn truyền thống là bánh chưng, thịt gà, khoanh giò/chả cùng các món ăn mặn tùy theo từng gia đình, các món mặn khác. Mâm lễ cúng mặn thường cũng có thêm đĩa xôi gấc với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.
P.Thuận