Trong kiến trúc cổ, mỗi ngôi nhà thường có hiên trước hiên sau, hai chái nhà và hệ thống cửa sổ. Trong đó hiên trước gắn liền với cửa chính và sân (hoặc đường đi, ngõ phố), là "kênh" tiến khí chủ đạo, có vai trò hóa giải, lọc sinh khí trước khi dẫn vào nội thất.
Cửa chính và hiên trước kết hợp với nhau tạo thành "khí khẩu" (cửa tiến khí) của một gia trạch, chúng cần được đặt trong mối quan hệ tương sinh và sinh nhập, nếu không sẽ khiến tài vận của gia đình suy bại.
Sử dụng cây xanh, bồn cảnh để làm vượng hiên trước, ban công, cửa sổ là giải pháp phổ biến và hiệu quả trong phong thủy hiện đại. Ảnh minh họa: life.ima.ir
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với nhà ở đô thị, căn hộ chung cư, trước khi làm tăng vượng khí cần đảm bảo hiên trước, ban công và cửa sổ sạch sẽ thoáng đãng.
Không nên sử dụng hệ thống này làm nơi phơi phóng hoặc cất trữ đồ vật. Uất khí do ẩm ướt hoặc cất trữ đồ cũ sản sinh ra sẽ xâm chiếm toàn bộ nội khí ngôi nhà, khiến sinh khí không thể tiến nhập; không khác nào con người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, lâu dần thành bệnh. Sử dụng hoa, cây cảnh làm vượng sinh khí theo nguyên tắc sau:
- Không dùng những loại hoa, cây cảnh có gai nhọn hoặc dây leo nhiều lá rậm rạp; lá cây hấp dẫn nhiều loại sâu bọ cư trú, nhất là sâu róm.
- Không dùng các loại cây rụng lá theo mùa, cây có rễ cọc lớn đòi hỏi phải tưới tắm nhiều, thường xuyên.
- Không trồng cây trực tiếp trên nền sân ngay sát mái hiên. Hạn chế tối đa sử dụng các loại cây thủy sinh hoặc dây leo nhiều rễ phụ.
- Nên sử dụng bồn (chậu) cảnh, với các loại hoa-cây cảnh có màu sắc tươi tắn, có hương thơm, ít rụng lá và xanh tốt quanh năm. Nếu có điều kiện, bồn hoa- cây cảnh nên luân lưu đặt trước hiên, ban công theo mùa là tốt nhất, cụ thể:
+ Mùa xuân nên dùng các loại hoa như mai, đào, uất kim hương, lan, đỗ quyên...
+ Mùa hạ nên đặt tường vi, hoa hồng, thúy cúc, thiên ngưu, thược dược, hàm tiếu, thạch trúc...
+ Mùa thu nên dùng hoa cúc, quân tử lan, dạ hương, dạ lý; và mùa đông nên dùng thủy tiên, sơn trà, lạp mai...
- Các loại bonsai, cây cảnh có thể dùng quanh năm để hóa sát, làm vượng hiên trước, ban công... Tùy theo diện tích thực tế, có thể chọn dùng tùng La Hán, trúc vàng, sung, sanh, si đá, ngũ sắc sơn trà, ngọc lan, trắc bách diệp, vạn niên thanh... Bình dị và hiệu quả hơn, có thể dùng các loại cây cảnh dễ tính như khế (bonsai), đinh lăng, sung ăn trái (bonsai), ổi tàu, ngũ gia bì, hoa ngâu, râm bụt, chè mạn hảo...
Sử dụng hoa, cây cảnh đúng phương pháp, chủng loại có thể tăng cường vượng khí cho không gian sống, làm việc của gia đình hoặc cơ quan, đơn vị. Cho dù hệ thống "khí khẩu" quan trọng này có phạm xung sát cũng sẽ được hóa giải cơ bản; đồng thời góp phần quan trọng làm đẹp, xanh hóa môi trường.
Cửa chính (gồm cả hiên trước) thường phạm sát Hoàng tuyền trong quan hệ với cổng, lối ra vào, cửa hành lang, cửa thang máy... Cửa sổ, cửa phòng, hành lang thường phạm Bát sát trong tương quan với khí khẩu.
Hoàng tuyền sát thường gây bệnh ở lục phủ ngũ tạng, tổn hại phúc đức, tại vận suy bại dần. Bát sát thường khiến người nhà gặp tai họa bất thường, bị đạo tặc trộm cắp, tai nạn huyết quang...
Những ngôi nhà hoặc khuôn viên có cửa (cổng) chính, cửa phụ và hành lang nội bộ tạo với nhau một góc tù theo hình chữ L hoặc chữa T thường hay phạm cấm kỵ của Bát sát.
Với những lý do nêu trên, các nhà phong thủy hết sức chú ý đến việc gia tăng vượng khí, hóa sát cho hiên trước, ban công và cửa sổ. Ngoài việc thiết kế, tu sửa đảm bảo hệ thống này tránh được tương quan Bát sát và Hoàng tuyền, sử dụng cây xanh, bồn cảnh để làm vượng hiên trước, ban công và cửa sổ là giải pháp phổ biến và hiệu quả nhiều mặt.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải