Lãi suất cao từng tác động đến mạnh đến thị trường 2008-2012

Lãi suất cho vay trung dài hạn trong giai đoạn 2008-2012 ghi nhận sự biến động rất mạnh. Nếu như trong giai đoạn 2000 đến 2007, lãi suất cho vay chỉ dao động trong khoảng 9-12% thì đến đầu năm 2008, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, mức lãi suất đã tăng lên 18,5% và tiếp tục sau đó lên mức trên 21% vào cuối năm 2008.

Trong năm 2009 và 2010, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm nhẹ xuống còn 12% đến 16%. Nhưng đến năm 2011, trước tình hình lạm phát cao quay trở lại, một lần nữa lãi suất cho vay tăng vọt lên trên mức 20%.

Cùng với biến động gia tăng của lãi suất là tác động trầm lắng của thị trường địa ốc. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã không thể vượt qua con số lãi suất cho vay tăng mạnh. Phá sản, giải thể chuyển nghề hoặc cố gắng cầm cự qua giai đoạn khủng hoảng là diễn biến xảy ra vào thời điểm hơn 10 năm trước.

von-1668746557919-16687465585371539836005.jpg

(Ảnh minh hoạ).

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay trung hài dạn thường biến động chậm hơn so với dư nợ tín dụng bất động sản và giá nhà ở. Nhưng ở thời điểm 2008-2012, lãi suất được cho là hệ quả của quá trình phát triển thị trường bất động sản trước đó. Hay nói cách khác, lãi suất cho vay với tư cách là công cụ điều chỉnh chính sách, phản ánh sự phản ứng của nhà quản lý cũng như các ngân hàng thương mại trước những lo ngại về rủi ro của thị trường.

Lo ngại sự gia tăng của lãi suất

Đến thời điểm hiện tại, diễn biến tăng lãi suất đang diễn ra cùng với đó là sự trầm lắng của thị trường địa ốc.

Ngày 24/10, NHNN thông báo tăng loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng là 6%/năm, thay vì 5%/năm như mức cũ. Trước đó, ngày 23/9, NHNN đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay.

Động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kéo theo cuộc “chạy đua” gia tăng lãi suất tiết kiệm và cho vay của các ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, một số ngân hàng thương mại ghi nhận mức lãi suất cho vay lên tới 14-15%.

Dưới góc nhìn của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là tất yếu. Động thái này không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, mà còn hỗ trợ tỷ giá và lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

Nhưng theo một số chuyên gia, việc lãi suất tăng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự trầm lắng của thị trường địa ốc, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với dòng vốn vay ngân hàng, thiếu dòng tiền để phát triển dự án còn người dân không có vốn mua bất động sản khiến thanh khoản sụt giảm.

Giám đốc JLL Lê Thị Huyền nhận định, vấn đề lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng chắc chắn chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, vì vậy khó khăn đối với thị trường nói chung còn tồn đọng trong ngắn và trung hạn. Những trở ngại về rào cản pháp lý, tiếp cận nguồn vốn và biến động của nền kinh tế tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung mới.

Tại Talkshow "Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa", Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đặt ra vấn đề, doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 3% nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới, trong đó lãi suất cho vay trung bình đang ở mức 10%. Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, mức lạm phát ở Mỹ tháng 9/2022 là 8,2% nhưng lãi suất cho vay vẫn quanh mức 2,5%.

Đánh giá về tác động của lãi suất tăng cao, TS. Nghĩa nhấn mạnh, lãi suất càng cao thì tài chính doanh nghiệp càng bị bào mòn. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn.

Theo ông Nghĩa, thanh khoản chậm ở khu vực ngân hàng kết hợp với sự trầm lắng của thị trường trái phiếu, kéo theo sự đình trệ của lĩnh vực bất động sản. Mặc dù, đối với lĩnh vực bất động sản còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, nhưng vấn đề dòng vốn yếu, thanh khoản thấp là một trong những nguyên nhân lớn. Nhìn chung, vấn đề khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022