Các kiến trúc sư đã áp dụng kiến thức về “Yobitsugi” vào kiến trúc, tạo ra không gian năng động, ấn tượng và độc đáo cho một cửa hàng tạp hoá tại vùng đồng quê Nhật Bản.
Thông tin công trình:
- Vị trí: Nhật Bản
- Thiết kế: Ryusuke Nanki
- Diện tích: 131 m²
- Năm: 2018
- Hình ảnh: Yasu Kojima
Country Market là một cửa hàng tạp hoá nhỏ được xây dựng tại vùng nông thôn Nhật Bản, hoạt động dưới hình thức nhà hàng và nhà cung cấp các sản phẩm tươi sống, chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng.
Công trình này được cải tạo từ một ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ. Sau thời gian cân nhắc, kiến trúc sư đã quyết định thiết kế lại ngôi nhà theo phong cách “Yobitsugi” – nghĩa là hoà trộn quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhờ thiết kế độc đáo này mà Country Market đã thay đổi ngoạn mục từ một ngôi nhà cũ trở thành một cửa hàng thương mại có đầy đủ không gian buôn bán và cả 1 khu vườn xinh xắn để trồng trọt.
Khi tiến hành khảo sát ngôi nhà cũ, các kiến trúc sư nhận thấy đây là ngôi nhà đã có 30 năm tuổi đời với mặt bằng không mấy nổi bật, nhiều vật liệu xây dựng khác đã hao mòn và cũ kỹ. Tuy nhiên, có một số kết cấu cốt lõi vẫn có thể tận dụng để cải tạo hiệu quả. Việc tận dụng lại kết cấu từ công trình cũ không chỉ là đặc trưng của cải tạo kiến trúc mà còn là yêu cầu tiên quyết theo luật định tại địa phương đối với công trình thương mại.
Từ thực trạng công trình và yếu tố khách quan nói trên, các kiến trúc sư đã lựa chọn phong cách thiết kế “Yobitsugi”. Đây là kiểu kiến trúc được lấy cảm hứng từ truyền thống làm đồ gốm của Nhật Bản. Yobitsugi là thuật ngữ dùng để chỉ phương pháp sửa chữa đồ gốm bị vỡ và hỏng bằng cách “chắp vá” những chi tiết không hề liên quan, không hề phù hợp được lấy từ đồ gốm khác.
Việc sửa chữa như vậy thu hút sự chú ý của người xem đến phần gốm bị vỡ thông qua các họa tiết tương phản, mang lại cảm giác mới mẻ, độc đáo. Các kiến trúc sư đã áp dụng những kiến thức này vào lĩnh vực kiến trúc, đạt hiệu quả thực sự tốt khi mang lại được một không gian cá tính và mới mẻ.
Khi ứng dụng phong cách Yobitsugi vào Country Market, tầng hai của căn nhà cũ đã được dọn sạch nhằm tạo khoảng trống rộng lớn từ sàn đến trần nhà, giúp không gian trở nên thông thoáng hơn. Màu xanh lục được chọn làm màu sắc tâm điểm của thiết kế, mở ra cho khách hàng cảm giác như bước vào một khu rừng xanh tươi, tràn ngập ánh sáng.
Cầu thang của cửa hàng khá ấn tượng khi được cải tạo kết hợp cả những tấm gỗ cũ và gỗ mới, mang đến điểm nhấn điêu khắc hòa quyện cùng ánh sáng xanh lục dịu nhẹ. Lối vào cửa hàng được thiết kế có mái che, nhìn từ ngoài có thể quan sát được trần nhà và khu vực sản phẩm tươi sống với ánh sáng huỳnh quang bắt mắt cùng logo nổi bật.
Với thiết kế Yobitsugi độc đáo trên tại Country Market, các kiến trúc sư đã chứng minh rằng việc cải tạo kiến trúc không chỉ đơn giản là thay thế nội thất cũ bằng những vật liệu mới hiện đại hơn mà còn là việc tiếp nhận những vật liệu cũ và phát triển nó trở thành những điểm nhấn độc đáo, mới lạ, vừa đảm bảo chức năng thực tiễn của công trình vừa chứa đựng những sự đổi mới bất ngờ.
Xem thêm hình ảnh công trình:
Biên dịch | Nguyễn Thục Hạnh (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Hiên nhà người Nhật
- Nội thất giấy trong ngôi nhà của người Nhật
- Nhà vệ sinh trong suốt chống biến thái tại Nhật Bản