Được bao quanh bởi những mặt tiền kính lớn của thành phố, Triển lãm nghệ thuật Jin Chen Yi Fei Ming được tạo ra với mong muốn mang lại một thứ mới mẻ nhằm thoát khỏi môi trường công nghiệp hóa này. Một thứ như được sinh ra từ bầu trời, thậm chí không thể nhìn thấy nguồn gốc, khiến nó trở thành một sự sáng tạo hoàn chỉnh không tham chiếu.
Thông tin công trình
- Tên dự án: Jin Chen Yi Fei Ming Art gallery
- Địa điểm: Thượng Hải, Trung Quốc
- Diện tích: 2871 m2
- Đơn vị thiết kế: Sunyat Architecture Design
- Năm hoàn thành: 2020
Thuyết minh công trình
Với mạng lưới giao thông tích hợp của đường sắt, cao tốc và hàng không, Shanghai Hongqiao CBD đã trở thành một điểm mốc mới của thành phố. Hongqiao CBD nằm trong khu vực cốt lõi của đồng bằng sông Dương Tử, kết nối 26 thành phố lớn trong khu vực; dựa vào Trung tâm Vận tải Hồng Kiều và Trung tâm Triển lãm Quốc gia với trụ sở và văn phòng là chức năng chính, các ngành khách sạn, thương mại, bán lẻ, văn hóa và giải trí là chức năng hỗ trợ.
Tiếp giáp với trung tâm là một lợi thế để phát triển của khu vực nhưng cũng đồng thời hạn chế sự phát triển và mở rộng của các không gian kiến trúc độc đáo. Hầu hết các công trình là nhà cao tầng, đó là cơ sở hình thành nên mong muốn thoát khỏi sự công nghiệp hóa từ môi trường này, để tạo ra một thứ như được sinh ra từ bầu trời – Triển lãm nghệ thuật Jin Chen Yi Fei Ming.
Là phòng trưng bày nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Hongqiao CBD, Jin Chen Yi Fei Ming mong muốn thể hiện cảm xúc nghệ thuật mạnh mẽ bên trong một hình thức kiến trúc độc đáo. Thông qua việc nghiên cứu không gian và vật liệu hình học, kiến trúc của Jin Chen Yi Fei Ming mang một sự linh động trong những đường cong và các lỗ rỗng chạm khắc bên ngoài lớp vỏ, nhằm gợi lên cảm giác lo lắng, ngạc nhiên, tò mò của khách tham quan, từ đó thôi thúc ham muốn được khám phá.
Hình dạng – “Cơ thể” là một đôi cánh
Liền kề với phòng triển lãm là quảng trường trung tâm rộng rãi của khu phức hợp thương mại Jinchenhui. Cảm hứng về “đôi cánh” của Jin Chen Yi Fei Ming lấy từ sân bay cách đó không xa, mang lại sự kết nối giữa kiến trúc trong đô thị.
Lối tiếp cận của Jin Chen Yi Fei Ming nằm trong một khoảng sân rộng được bao quanh bởi năm tòa tháp. Ban đầu nó là một “giếng” thủy tinh được tạo ra nhằm cung cấp ánh sáng cho không gian dưới lòng đất, Sunyat đã tận dụng điều đó để mở lối vào cho khu trưng bày.
Khi bước vào quảng trường, khách tham quan có thể cảm thấy được đường cong mạnh mẽ của công trình. Các tấm ốp kim loại phủ kín từ mặt đất và trượt trên những mái nhà, đua ra bên ngoài ranh giới của bức tường kính và sau đó lại hội tụ vào trong, tạo nên sự toàn vẹn.
Mặt tiền sử dụng mảng tường kính lớn để giảm sự lộ ra của các cấu trúc và tạo cảm giác bồng bềnh của kết cấu thép.
Tất cả những điều đó tạo nên Đôi cánh chuẩn bị vút bay cho công trình.
Không gian – Thể tích như một hang động
Mái nghiêng và tường kính của kiến trúc bên ngoài giúp mang cả bầu trời vào lòng đất nhờ những ô cửa được chạm khắc bên trên. Chiếc cầu thang xoắn dẫn hướng cho du khách tạo một trải nghiệm tham quan mạch lạc.
Sự mâu thuẫn giữa bố cục đối xứng của mái và cấu trúc bất đối xứng nguyên bản của công trình khiến hệ thống kết cấu gặp nhiều thách thức trong việc tính toán. Nhóm thiết kế cuối cùng đã giấu các trụ kết cấu trong hệ thống mái kim loại để làm tan biến mối quan hệ không gian giữa tường, mái và trụ, khiến công trình như một hang động trong suốt.
Sợi dây kết nối – “Đường nét” như những dòng chảy
Cầu thang xoắn ốc lớn 540 độ và tay vịn siêu mỏng thể hiện mang lại cảm giác rõ nét về sự sống động, giảm bớt sự ngắt quãng trong chuỗi không gian liền mạch – “mặt đất chuyển tiếp dưới lòng đất”. Trong khi tiếp tục đi xuống cầu thang, đường xoắn ốc làm du khách hình thành sự tập trung trong việc trải nghiệm các không gian triển lãm nghệ thuật.
Là thành phần mới của không gian, cầu thang xoắn ốc được đưa vào vị trí ban đầu với định dạng nhẹ nhàng và mượt mà. Vòng trong được lắp dầm hộp xoay 650x550x25mm, cứ năm bậc thì lắp một dầm console từ dầm thép chính. Các bộ phận được nối với nhau bằng ống thép vuông. Dầm thép chính áp dụng phương pháp phần tử hữu hạn để phân tích ứng suất và thực hiện tính toán ứng suất phức hợp dựa trên cơ học vật liệu. Tính toán cơ học chính xác, việc xây dựng cầu thang xoắn được hoàn thành suôn sẻ, và phần cuối của công trình trôi chảy như “nước chảy”.
Phòng trưng bày nghệ thuật Shanghai Jin Chen Yi Fei Ming ra đời dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Chính quyền quận Minhang, Ủy ban quản lý khu thương mại Hồng Kiều. Nơi đây sẽ không chỉ tổ chức các triển lãm quốc tế cho các nghệ sĩ đương đại mà còn phục vụ các sự kiện khác như phòng trưng bày, diễn đàn nghệ thuật, đào tạo và giao lưu nghệ thuật.
Triển lãm Nghệ thuật Đương đại Tái sinh – Thượng Hải được tổ chức là triển lãm đầu tiên của phòng tranh. Sáu nghệ sĩ đương đại nổi tiếng tại Thượng Hải, bao gồm Chen Yiming, Sun Liang, Yu Qiping, Mou Huan, Shi Yong và Xue Song, đã tập hợp lại với nhau để trình bày những ghi chép cảm xúc của họ về cuộc sống khi nghĩ về giai đoạn đặc biệt của năm 2020 theo cách thể hiện của họ. Khai sáng để mọi người xem xét nhiều vấn đề mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thời kỳ hậu dịch bệnh. Đây là tư duy sâu sắc mang lại từ thời hậu dịch, và quá trình “tái sinh” của nền văn minh nhân loại. Đây cũng là chủ đề mà triển lãm lần này mong muốn được thảo luận về thời kỳ hậu dịch bệnh.
Trong một thành phố quy mô với các công trình thương mại phát triển, việc xây dựng Triển lãm nghệ thuật Jin Chen Yi Fei Ming là sự “tái sinh” cho môi trường sống nơi đây. Mặc dù quy mô không lớn nhưng những cảm xúc về nghệ thuật của nó mang lại cho Hongqiao lại là to lớn. Nghệ thuật sẵn sàng để được trải nghiệm giữa lòng một thành phố công nghiệp.
Xem thêm ảnh về công trình tại đây:
Biên dịch | Hà Linh (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Sands End Arts – Trung tâm kết nối cộng đồng với thiết kế dựa trên nguyên tắc tuần hoàn
- Dự án Thung lũng Seoul – Mũi tên trúng nhiều đích, mở ra một tương lai phát triển cho thành phố
- Trung tâm Công nghệ SAIC Volkswagen Thượng Hải – Cảm hứng từ phong cách âm dương | B+H Architects