Một số ví dụ của các cấm kỵ đó là, không để mở cửa nhìn thấy gương hoặc vật nhọn, không treo gương đối diện với cửa ra vào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe gia chủ, không thiết kế vệ sinh ngay cửa ra vào, mở cửa gặp bình hoa, mở cửa gặp tủ lạnh, không nên mở cửa quá cao... Chúng khiến các gia chủ, đặc biệt là những người ở chung cư rất bối rối vì nếu không làm thế, không còn cách nào khác.

Trong phong thủy nhà ở, cửa (cổng) nói chung, cửa ra vào nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tài vận của gia chủ. Mọi tác động đối với cửa, từ ngoại cảnh, nội khí đến màu sắc, ánh sáng, kích thước... đều liên quan tới vận khí của một dương trạch. Những người theo trường phái bảo thủ thậm chí tuyệt đối hóa vai trò phong thủy của cửa ra vào tới mức cho rằng nó quyết định tới 80% sự tốt - xấu của một căn nhà.

csm-it-privat-wolkenstein-08-6-3763-6938-1647591411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=48x-6Q_Ayl-_p90sDQ5rzw

Theo phong thủy, cửa ra vào ảnh hưởng trực tiếp tới quan lộc, tài vận của gia chủ. Ảnh: Rubner

Hạn chế lớn nhất của quan điểm này là tư duy tự nhiên chủ nghĩa, thấy cây thì gọi là Mộc, thấy nước gọi là Thủy, không bám sát những yếu tố bản chất của phong thủy, quá câu nệ vào kinh nghiệm dân gian. Vì thế những tư vấn của họ thường thiếu tính toàn diện, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay.

Phong thủy không phải là hệ thống kiến thức để phân biệt hên - xui, chọn lành tránh dữ. Nó là công cụ giúp con người lựa chọn, vận dụng, kiến tạo, bảo vệ môi trường sống phù hợp với các quy luật tự nhiên trong từng hoàn cảnh cụ thể. Không có mẫu số chung cho mọi phương án phong thủy, chỉ có nguyên lý chung phổ biến, bao hàm mọi trường hợp cá biệt. Nói cách khác, không có chỗ cho kinh nghiệm dân gian trong thiết kế, xử lý các vấn đề phong thủy.

Dưới đây là lý giải một số cấm kỵ dân gian hay gặp về cửa ra vào.

Cấm kỵ mở cửa thấy gương cảnh báo về tới nhà, đèn chưa bật đã thấy bóng người trong gương sẽ khiến gia chủ gặp ác mộng, mất ngủ, ngủ không sâu. Gương đại diện cho những thứ xấu xa và điềm xui nên treo gương ở cửa là điều không nên. Gương nơi cửa chính sẽ ảnh hưởng xấu đến gia chủ, nhất là nữ gia chủ. Gương đẩy hết tài lộc trong nhà ra đường và chặn không cho thần tài vào nhà.

Thực tế, phong thủy chỉ kỵ treo gương soi thẳng đầu giường, ban thờ, phản chiếu ánh mặt trời vào chỗ ngồi hoặc khiến người ngoài nhìn thấy nội thất. Mọi trường hợp treo gương khác vì mục đích trang trí, tạo cảm giác tốt về không gian, ánh sáng đều không phải là cấm kỵ.

Cấm kỵ vào nhà gặp ngay phòng vệ sinh lập luận mở cửa gặp phòng vệ sinh khiến gia chủ hay gặp xui xẻo, ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong gia đình. Nam giới thường mắc các bệnh về thận và bàng quang, mệt mỏi ủ rũ, suy giảm trí nhớ; nữ giới hay bị đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, nặng có thể xuất huyết, thai phụ đẻ non. Quan điểm này còn liên hệ tới kỵ thiết kế vệ sinh giữa phòng, kỵ nhà hình chữ L, nhà ở thót hậu.

Thực tế, phong thủy Bát trạch tuy hướng dẫn có thể vận dụng "trắc sở trấn hung thần" (dùng phòng vệ sinh để trấn yểm phương vị xấu trong nhà ở), nhưng không đại kỵ thiết kế phòng vệ sinh ở khu vực cửa ra vào. Cần biết rằng, trong kiến trúc cổ đại, hướng và vị trí cửa ra vào thường thống nhất với hướng nhà (hướng tốt). Đương nhiên không ai đặt vệ sinh trước hướng nhà.

Tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác (chưa nói đến tiến bộ về kỹ thuật xây dựng, công nghệ vật liệu hiện đại), cửa chính của căn hộ chung cư phần lớn chỉ là lối ra vào, ra mở vào đóng, không khí và ánh sáng rất ít hoặc không vào nhà qua cửa chính. Hướng nhà chung cư chủ yếu lấy theo logia, cửa sổ, những nơi có thể "tiến khí" đưa ánh sáng và không khí vào nhà.

Đạo học, nhất là phong thủy không phân biệt sạch - bẩn, không lẫn lộn sạch - bẩn với tốt - xấu. Dịch học nói "thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng". Vạn vật vốn cùng một nguồn gốc, từ thái cực biến đổi thành muôn hình dạng khác nhau nhưng không phân biệt quý tiện, sạch bẩn. Mọi tương tác giữa các sự vật chỉ là hợp hay không hợp mà thôi. Do đó vệ sinh chỉ cần thiết kế ở vị trí xấu theo phong thủy, tiện dụng và tiết kiệm diện tích là được. Đương nhiên, nếu có thể thiết kế vệ sinh ở một góc nào đó cách xa cửa chính, trung tâm căn hộ thì càng tốt.

Vận dụng phương pháp luận phong thủy để lý giải các cấm kỵ theo kinh nghiệm dân gian vừa nêu trên có thể dễ dàng nhận biết đúng - sai của những cấm kỵ dân gian khác như kỵ mở cửa gặp tủ lạnh (vì đồ vật này chỉ hợp với các góc nhà) để tránh gia chủ gặp nhiều bất lợi, tài vận suy thoái, làm việc nỗ lực gấp đôi ba lần người khác mới hy vọng thành công; kỵ mở cửa gặp bình hoa để tránh ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, gây ra đào hoa sát...

Về cấm kỵ không nên mở cửa quá cao để tránh gặp nhiều chuyện thị phi, vượng khí hao tán, không nên làm cửa mái vòm, nhiều người khó hoặc không thể khắc phục, nhất là khi nhà đã xây dựng xong hoặc nhà chung cư không được phép thay đổi kết cấu.

Trên thực tế kích thước của cửa, nhất là cửa chính ảnh hưởng rất lớn đến tài vận và quan lộc của gia chủ. Quan điểm này có cơ sở khi cho rằng không nên mở cửa quá cao; nhưng vấn đề là không nêu được chiều cao tương ứng của cửa so với chiều cao trần nhà. Bởi vậy, nếu kích thước cửa hợp với độ số Lỗ Ban thì không phải thay đổi; riêng cấm kỵ không nên làm cửa mái vòm là không có cơ sở khoa học, trái nguyên lý mỹ quan của phong thủy.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Vũ Mạnh Đức

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022