Trước đây, vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng hơn 7 năm rồi đi thuê nhà trọ 3 năm. Nhà bố mẹ chật chội còn nhà trọ chưa đầy 40 m2 nên con gái duy nhất của tôi chưa từng có phòng riêng dù đã 10 tuổi. Ngày nhỏ, bé ngủ cùng bà, tới khi lớn có giường kê gọn ở một góc phòng của bố mẹ hoặc phòng khách.
Những khi tới chơi nhà bạn bè, nhìn phòng con cái của họ được trang trí đẹp, tôi lại thấy chạnh lòng, thương cho con mình. Bởi vậy, tới khi hai vợ chồng tôi mua được căn nhà đầu tiên, tôi quyết định đầu tư một phòng riêng thật đàng hoàng cho con.
Phòng của con gái tôi rộng 18 m2, có cửa sổ nhìn sang bên khu nhà đối diện. Trước khi sửa, tôi hỏi con thích trang trí thế nào. Bé rất hào hứng vì được bố mẹ quan tâm, bé còn dẫn chúng tôi tới nhà bạn bè để tham khảo. Đang ở độ tuổi học sinh cấp một nên hầu hết các bé gái đều thích phòng có tông màu hồng với nội thất gợi cảm hứng từ các nhân vật hoạt hình như mèo Kitty, công chúa Elsa... Bản thân tôi cũng thấy tông màu khá dễ thương, nữ tính.
Tôi cặm cụi tìm kiếm trên mạng những mẫu giường, tủ, bàn học với tông hồng, đường nét uốn lượn mềm mại. Tuy nhiên, khi tìm kiếm ở các cửa hàng bán sẵn, tôi thấy chất lượng gỗ không ưng ý hoặc kết hợp không khớp với nhau. Bởi vậy, tôi bàn với kiến trúc sư mong muốn của hai mẹ con về việc bố trí phòng của bé. Người thiết kế vẽ ra một không gian 3D trông khá lãng mạn, con gái tôi nhìn thấy là thích luôn.
Tuy nhiên, nếu làm theo bản vẽ này, gia đình tôi sẽ phải bỏ ra tổng số tiền là 50 triệu. Để tiết kiệm diện tích, một số chi tiết như bàn học, tủ sách được gắn trực tiếp lên tường. Toàn bộ đồ gỗ như giường, tủ quần áo, bàn học, chỗ ngồi bên cửa sổ đều được đặt xưởng đóng với kích thước phù hợp với căn phòng. Tôi cũng mua thêm rèm, nhiều đồ trang trí cùng tông màu cho con.
Dù chi phí bỏ ra cao hơn dự tính một chút nhưng khi nhìn thấy gương mặt rạng rỡ của con, tôi cũng thấy vui lây. Nỗi áy náy vì con không có phòng riêng bao lâu nay tan biến. Con còn mượn tôi điện thoại để chụp lại căn phòng rồi tạo dáng chụp ảnh ở các góc khác nhau. Ngay tuần đầu tiên có phòng mới, cứ có họ hàng, người thân tới chơi, con lại dẫn mọi người vào phòng tham quan. Con mời cả các bạn gái cùng lớp và trong khu chung cư tới chơi trong phòng.
Nhưng có một điều mà tôi không dự tính trước được sự trưởng thành, thay đổi quá nhanh của con từ cấp một lên cấp hai. Mới 13 tuổi, con như biến thành một người khác hẳn, cao bằng mẹ, sở thích cũng thay đổi nhiều. Từ một cô bé nhí nhảnh, thích màu hồng, con dần chọn lựa đồ các màu khác phong phú hơn. Búp bê, gấu bông được cất gọn vào trong các ngăn tủ trên cao.
Con bắt đầu phàn nàn căn phòng màu hồng quá trẻ con, nội thất nhỏ hẹp so với chiều cao tăng vọt từ 1,2m lên 1,55m. Trước đây, con thích giường tầng để leo trèo cùng bạn bè thì giờ con thấy vướng víu, gò bó khi nằm tầng một, dễ bị cộc đầu khi ở trên tầng 2 của giường. Chiếc bàn học dạng thanh dài sát tường cũng hẹp, khó đặt được cả màn hình và bàn phím cho con tự học vi tính ở nhà. Tủ đồ chỉ gồm các ngăn kéo không thích hợp với các kiểu quần áo cần treo móc của cô bé lớp 7.
Lúc đầu, tôi thấy bực bội và cáu gắt khi nghe những lời kêu ca của con. Tôi tự hỏi, mình đã làm theo ý muốn của con, đã bỏ tiền đầu tư đồ tốt mà sao con vẫn chưa hài lòng? Tôi cho rằng, đây chỉ là những thay đổi nhất thời của tuổi mới lớn.
Nhưng cho tới một hôm, khi con đi học, tôi tự mình vào căn phòng, trải nghiệm thử việc lên xuống giường, ngồi bàn học như con mới thấy cảm giác không được thoải mái. Tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã bỏ ra quá nhiều tiền cho những món đồ chỉ hợp với con thời gian ngắn.
Sau đó, tôi tính mua thêm bàn học phù hợp với chiều cao của con để tránh bé phải còng lưng khi viết bài. Ngoài ra, sau khi thanh lý chiếc giường tầng, tôi sẽ mua giường đôi thay thế. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tôi thấy nếu thay lẻ sẽ khiến căn phòng trở nên chật chội, lộn xộn giữa những món đồ cũ mới, không cùng tông màu.
Bởi vậy, tôi quyết định bán toàn bộ đồ gỗ cũ để mua nội thất mới đồng bộ. Không chỉ vậy, tôi còn phải tháo dỡ bàn hẹp đóng vào tường, sơn trát lại mảng tường đó. Tổng thời gian để sửa chữa mất gần một tuần và tôi chi khoảng 30 triệu cho các đồ dùng cơ bản nhất. Phần đồ cũ đã sử dụng cũng không thanh lý được nhiều so với giá gốc ban đầu.
Chia sẻ về việc làm phòng cho trẻ nhỏ, KTS Vũ Việt cho biết, rất nhiều gia đình đã mắc phải sai lầm khi không tính toán tới sự trưởng thành của con. Đặc biệt là với trẻ ở độ tuổi chuyển cấp, các bé thường có sự thay đổi rất nhanh cả về thể chất lẫn tâm lý.
Theo KTS Việt, phụ huynh không nên đầu tư đồ quá đắt tiền trong phòng của trẻ bởi thời gian sử dụng ngắn hạn. Nội thất trong phòng trẻ có thể sẽ phải thay thế trong vòng 5 năm, khác với đồ dùng ở phòng khách, bếp, WC hoặc phòng ngủ của người lớn.
Bố mẹ nên tham khảo ý kiến của con nhưng cũng cần cân nhắc kỹ, tham khảo các gia đình có con lớn để rút ra kinh nghiệm. Bố mẹ tránh làm theo mọi sở thích của trẻ vì các bé cũng thường thay đổi suy nghĩ rất nhanh. Ví dụ như, thay vì sơn cả căn phòng và chọn mua đồ dùng toàn màu hồng, gia đình nên chọn màu trung tính, màu sáng và thêm đồ trang trí nữ tính. Do đó, căn phòng có thể phù hợp với trẻ trong thời gian dài hơn.
Theo An Yên
VnExpress