Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, siêu bão vừa qua như lời cảnh tỉnh, nếu Hà Nội không gấp rút cải tạo chung cư cũ thì có thể xảy ra thảm họa. Quá trình cải tạo chung cư cũ phải xác định rất rõ làm đô thị nén. Ví dụ một khu chung cư có 20 nhà 5 tầng thì có thể gom thành 4 tòa nhà cao 40 tầng. Diện tích còn lại làm cây xanh, trường học, kết nối giao thông.

Ngoài ra, KTS Phạm Thanh Tùng cũng đề nghị nên giao quy hoạch chi tiết cho các nhà đầu tư thực hiện, nhà nước làm xong quy hoạch có thể phù hợp quy hoạch chung nhưng chưa chắc đã phù hợp với phương án kinh doanh, kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư.

tp-chung-cu-xuong-cap-sap-sap-11-4666-3211-1728529066236-17285290662981453721660.jpg

Chung cư cũ nguy hiểm tại phường Thành Công, quận Ba Đình.

TS. KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - nhận định: Muốn đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, tốt nhất cần có một đề án mang tính chiến lược tầm cao, định hướng khung, sau đó để các nhà đầu tư vào thực hiện bởi thành phố không thể đủ nguồn lực.

Nói về khó khăn trong cải tạo chung cư cũ, KTS Quảng cho biết, thực trạng ở đây là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân muốn tái định cư tại chỗ. Thêm nữa là việc khống chế của quy hoạch chung khiến các quy hoạch chi tiết khó thoát được bởi vì bản thân trong khu chung cư cũ đó không có lợi nhuận (nếu theo quy hoạch chung - PV). “Phải đặt câu hỏi thành phố, doanh nghiệp, người dân được gì thì mới gỡ được vấn đề”, KTS Quảng nhận định.

Vị chuyên gia cũng nêu thực trạng rằng: Trước đây một số doanh nghiệp đã vào lập quy hoạch, sau khi tính toán họ không làm nữa do còn nhiều vướng mắc của quy hoạch chung. Nay thành phố giao cho các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết, địa phương sẽ làm theo đúng quy trình quy định và không gắn với thị trường nhiều. Dẫn đến việc đưa ra bản quy hoạch nhưng không khiến các nhà đầu tư thiết tha.

Nhiều cơ chế “cởi trói” cho chung cư cũ

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện nay việc lập quy hoạch chi tiết của các quận, huyện đều đã được tháo gỡ. Khi lập quy hoạch chi tiết các khu, địa phương được tính dân số theo hạ tầng chứ không hạn chế theo quy hoạch. Tức là khu chung cư cũ có 5 tòa 4 tầng thì có thể lập quy hoạch quy gom thành 1 tòa nhà 30- 40 tầng, phần còn lại làm hạ tầng công cộng, đường giao thông. Số lượng cư dân cũ vẫn được đảm bảo, nhà đầu tư được phép kinh doanh ở những diện tích sàn dôi dư sau cải tạo.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cùng với những quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi đã tạo nhiều đột phá mới cho cải tạo chung cư cũ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022