Khi chúng ta nói về kiến trúc bản địa là nói đến phong cách kiến trúc đặc trưng cho một khu vực hay một nền văn hóa, dựa trên các vật liệu bản địa để xây dựng. Đó là những ngôi nhà tổ ong ở Thổ Nhĩ Kỳ, những ngôi nhà Mã Lai truyền thống được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á…. Kiến trúc bản địa vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho các kiến trúc sư (KTS) đương đại.
Chúng ta đang quan sát kiến trúc bản địa ngày nay như thế nào? Tổng quan hay hời hợt? Liệu kiến trúc bản địa có mang đúng giá trị trong bối cảnh của nó không? Hay chỉ cần đem các chi tiết na ná vào là đã trở thành Kiến trúc bản địa?
Kiến trúc truyền thống Malaysia
Những ngôi nhà tổ ong ở Harran, Thổ Nhĩ Kỳ
Từ “exotic – kỳ lạ” thường được nhắc đến để mô tả nền văn hóa của những người cư trú ở Nam bán cầu (Global South – thường bị đánh đồng là các khu vực thuộc địa, kém phát triển được người Phương tây từ Bắc bán cầu đến để khai phá ở thời kỳ trước). Lục địa Phi đã chứng kiến cuộc khai thác thuộc địa của người châu Âu, và ở nhiều quốc gia Châu Phi, những người cai trị lúc bấy giờ đã không thừa nhận những kiến trúc hiện có của các cộng đồng bản địa. Song song với đó, các vùng đất thuộc địa cũng được coi là những vùng đất mới đối với Phương Tây, khi họ chưa biết nhiều về nó và các cuộc triển lãm ở Paris vào năm 1867 trưng bày các nền văn hóa phi phương Tây. Chúng đã để lại cho ta những gì? Hay khiến chúng ta phải vật lộn với những câu hỏi, điển hình như những trăn trở của Kenneth Frampton trong bài luận có sức ảnh hưởng của ông về Phê bình địa phương (Critical Regionalism).
Văn phòng kiến trúc Atelier Masomi ở Niger đã có cái nhìn mới hơn về cách kiến trúc bản địa kết hợp với kiến trúc đương đại mà không tạo ra sự đối chọi thông qua công trình tôn giáo HIKMA ở Niger. Do sự khan hiếm vật liệu xây dựng Hausa truyền thống của địa phương là gỗ, văn phòng đã lựa chọn đưa các chi tiết kim loại vào cầu thang và tái hiện lại nhà thờ Hồi giáo Hausa truyền thống với các chi tiết và kết cấu đương đại.
Công trình tôn giáo HIKMA ở Niger | Atelier Masomi
Kiến trúc bản địa có thể trở nên “kỳ lạ” khi các biểu tượng văn hóa khác nhau (đôi khi lộn xộn, không phân biệt rõ) được áp dụng cho một bối cảnh nhất định mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các nền văn hóa mà nó vay mượn. Cấu trúc lávvu của người Sámi bản địa ở Bắc Âu là một chiếc lều di động với hình dạng đặc biệt, đã được sử dụng trong nhiều công trình mà các KTS thiết kế không phải người Sámi. KTS người Sámi Joar Nango đặc biệt quan tâm về điều này, vì ông thấy đa số các kiến trúc đương đại dựa trên các biểu tượng Sámi không hiểu được ý nghĩa văn hóa và các khái niệm về bố cục không gian của người Sámi. Một vấn đề tương tự xảy ra với những người Thổ dân trên eo biển Torres ở Úc với cuộc thảo luận đang diễn ra về việc sự pha trộn bừa bãi giữa các yếu tố, họa tiết và kiểu dáng trong cùng một công trình kiến trúc.
Lều của người Sámi ở Bắc Âu với cấu trúc lávvu
Một cách khác, kiến trúc bản địa trở nên “kỳ lạ” khi chúng chỉ tập trung vào thẩm mỹ mà quên đi tính cộng đồng. Các khu vực cận Sahara, châu Phi là nơi có một lượng lớn các Vườn quốc gia, dẫn tới nhu cầu về các khu Safari sang trọng. Những nơi nghỉ dưỡng này thường được thiết kế theo phong cách bản địa, phù hợp với bối cảnh, chẳng hạn thiết kế với mái tranh. Tuy nhiên, đôi khi việc chỉ tôn vinh nét thẩm mỹ lại bỏ qua các vấn đề khác, ví dụ như giá cả đắt đỏ của chúng khiến một bộ phận nhỏ dân cư ở đó mới có thể tiếp cận được. Vậy có được xem là kiến trúc bản địa hay không khi cộng đồng dân cư lại rất khó để tiếp cận? Hoặc thực tế là hiếm khi các cộng đồng địa phương nhận được lợi ích công bằng.
Vậy nên khi Kiến trúc bản địa tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các KTS và NTK ngày nay thì sự quan sát, tìm hiểu cần mang tính tổng thể, thay vì hời hợt.
Cấu trúc mái lợp lá Thatch, Nigeria
Nhà Tulou, Phúc Kiến, Trung Quốc
Reeds houses – Nhà bằng lau sậy ở Ma’dan, Iraq
(T/c Kiến trúc Việt Nam /Theo Archdaily)