Mục đích chính của việc cải tạo này để năm thành viên thuộc ba thế hệ có nơi ở thoáng đãng, nhiều ánh sáng và gió trời.
Căn nhà trước cải tạo bị chia nhỏ, thiếu sáng và bí bách. Ảnh: T H I A Architecture.
Với yêu cầu giữ nguyên kết cấu khung nhà, kiến trúc sư đưa ra giải pháp "cắt đôi" không gian thành hai hình chữ nhật ở phía trước và phía sau nhà, kết nối với nhau bằng các khoảng trống gồm thông tầng, sân trong và sảnh.
Không gian tầng trệt sau cải tạo. Ảnh: Quang Trần.
Ở tầng trệt, khoảng sân vườn phía trước và mái hiên có thể tận dụng làm nơi tiếp khách và nghỉ ngơi của gia chủ. Bên trong, phòng khách, bếp – phòng ăn và phòng ngủ cho bà liên thông, không vách che. Trần gỗ tạo điểm nhấn và đem tới sự ấm cúng, gần gũi.
Cạnh cầu thang, nhóm thiết kế bố trí một khoảng vườn nhỏ. Nhờ vậy, không chỉ khu vực sinh hoạt chung mà phòng ngủ của bà cũng hướng ra thiên nhiên, đem tới sự thoải mái cho người cao tuổi. Mảng xanh trong công trình còn khuyến khích các thành viên cùng làm vườn, từ đó dành nhiều thời gian với nhau và gắn bó hơn.
Tầng hai là nơi bố trí phòng ngủ master cho vợ chồng gia chủ và phòng ngủ các con. Không chỉ là chỗ nghỉ ngơi, sảnh đóng vai trò là "cây cầu" gắn kết khối phòng ngủ phía trước với khối phòng ngủ phía sau. Hai bên sảnh có khoảng thông tầng, nhờ đó mọi phòng ngủ đều mở ra mặt thoáng, được tiếp xúc với nắng, gió và cây xanh.
Sảnh và thông tầng nằm giữa hai khối phòng ngủ trước và sau nhà. Ảnh: Quang Trần.
Để theo hình thức kiến trúc của toàn khu, phần mặt tiền nhà được giữ lại 80%, chỉ bổ sung hệ lam mở để tạo hai lớp che nắng hướng Tây. Việc sử dụng hệ lam gỗ từ trong ra ngoài cũng tạo nên sự đồng bộ trong thiết kế.
Bấm để xem thêm hình ảnh về công trình.
Minh Trang
Ảnh: Quang Trần
Thiết kế: T H I A Architecture