1. Bình nhựa tưới nước tự động
Ảnh: Ban Mai. |
Khi chưa có điều kiện lắp các thiết bị tưới hẹn giờ, nhiều hộ đã tự chế bình tưới nước nhỏ giọt. Nhà chị Thu ở Ba Đình (Hà Nội) lấy bình nhựa được đục lỗ, lắp một chiếc van nhỏ để nước chảy xuống từ từ. Nhờ đó, những ngày nắng và không ở nhà 1-2 ngày, chủ nhà có thể đổ đầy bình nước tưới, giúp đất không bị khô hạn.
2. Đĩa CD để đuổi chim ăn quả
Ảnh: Bùi Thương. |
Những chiếc đĩa CD bỏ đi giúp cho vườn rau giống nhà chị Bùi Thương (quận Bình Tân, TP HCM) hầu như không bị chim chóc tới quấy rầy. Bình thường, giàn quả chín sẽ thu hút chim sẻ tới đục trái. Khi nắng chiếu vào mặt đĩa sẽ phản xạ những tia sáng hạn chế chim bay vào vườn.
3. Túi nilon bảo vệ quả khỏi ruồi vàng
Ảnh: Lão Nông Phố. |
Với những người trồng cây ăn trái, ruồi vàng là nỗi ám ảnh. Khi bị ruồi chích, quả sẽ bị chột, phát triển kém và hình dạng méo mó. Ngay khi quả non hình thành, ông Bùi Tiến Huynh (quận Đống Đa, Hà Nội) lấy túi nilon dài buộc ở phần cuống để chặn ruồi đục quả.
4. Màn chống sâu bệnh cho cây
Ảnh: Thu Dung. |
Để tránh tình trạng sâu bướm đẻ trứng, nhiều chị em đã dùng màn cũ che cho cây con, rau. Ngay từ khi mới gieo trồng, chị Thu Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm luôn khung màn để giúp cho cây con được bảo vệ khỏi sâu bệnh, gió tạt mạnh.
5. Vỏ trứng chống ốc sên
Ảnh: GT. |
Những ngày trời mưa, ốc sên phát triển rất nhanh khiến người trồng khó có thể bắt hết. Một trong những mẹo giúp bạn hạn chế tình cảnh này là rắc vỏ trứng đập vụn lên mặt đất. Việc này cũng giúp cho đất có thêm canxi, hạn chế cỏ dại mọc.
6. Mảnh sành giúp bầu bí ra quả
Ảnh: Hà Ninh. |
Một số gia đình trồng bầu, bí, mướp có lá phủ kín giàn, nhiều ngọn mơn mởn nhưng mãi không thấy quả. Nhà anh Hà Ninh ở Hà Nội áp dụng kinh nghiệm dân gian: Lấy dao nhọn xiên vào thân cây theo chiều dọc (cách gốc 10 cm) rồi nhét mảnh sành vào chỗ vừa xiên. Khoảng một, hai tuần sau, cây sẽ bắt đầu ra quả.
Ban Mai
Chia sẻ khó khăn khi làm vườn rau sân thượng của bạn tại đây.