Một cô gái giấu tên chia sẻ: "Tôi từng chia tay bạn trai và sau đó, tôi có hai năm không hẹn hò với bất cứ ai. Gần đây, tôi bắt đầu thử yêu đương trở lại và mối quan hệ mới của tôi không có gì chắc chắn nhưng mẹ tôi lại vô cùng hào hứng.
Tôi mới 26 tuổi nhưng mẹ liên tục hỏi tôi khi nào kết hôn. Bà muốn tôi cưới chồng càng sớm càng tốt và sinh cho bà một đứa cháu. Mẹ tôi thường xuyên nói rất rõ ràng với tôi mong muốn của bà và lời nói của bà khiến tôi cảm thấy nhức nhối.
Mẹ tôi chắc chắn không phải là người mẹ duy nhất thúc ép con mình ổn định cuộc sống. Vậy làm thế nào để tôi có thể đối phó với người mẹ bị hôn nhân ám ảnh?".
Nói về vấn đề này, tiến sĩ Joy Harden Bradford, một nhà trị liệu nổi tiếng nước Mỹ, chia sẻ: "Hầu hết những bình luận, yêu cầu con cái cưới xin của các bậc cha mẹ không mang tính ác ý. Cha mẹ nào cũng vui mừng khi con mình kết hôn và họ được lên chức ông bà.
Tất nhiên những câu hỏi của bố mẹ bạn về chuyện hôn nhân có thể khiến bạn cảm thấy khó nghe nếu bạn đã chán nản với quá trình hẹn hò.
Việc nghe cha mẹ hỏi tại sao bạn chưa kết hôn có thể khơi dậy những cảm giác không thoải mái và khiến bạn đặt câu hỏi rằng, mình đã làm sai điều gì hoặc "không kết hôn phải chăng là thất bại".
Nhiều bà mẹ chỉ mong con gái sớm lấy chồng (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Thực ra bố mẹ nên biết bạn cảm thấy thế nào. Bởi vì khi họ nhận ra rằng, những câu hỏi của họ về hôn nhân đang làm tổn thương bạn, rất có thể họ sẽ dừng lại".
Tiến sĩ Bradford gợi ý bạn nên nói với mẹ kiểu như: "Mẹ ơi, con biết mẹ không có ý gì xấu, nhưng nói về hôn nhân khiến con không thoải mái. Con cảm thấy bị áp lực phải tìm một ai đó trong khi con vốn đã rất căng thẳng về việc hẹn hò".
Sau khi nói như vậy, hãy trấn an cha mẹ bạn rằng, khi bạn tìm thấy người mà bạn thực sự yêu, bạn sẽ nói với cha mẹ đầu tiên. Vì thế, bạn muốn bố mẹ dừng thúc giục chuyện cưới xin.
Bạn có thể sử dụng một mẫu tương tự nếu bạn đang hẹn hò với ai đó nhưng không chắc chắn khi nào hoặc liệu bạn có kết hôn hay không.
Giải thích với bố mẹ rằng bạn và đối tác của bạn đang hạnh phúc và có thể một ngày nào đó bạn sẽ kết hôn, nhưng lựa chọn đó sẽ là của bạn và người yêu.
Nếu bạn hoàn toàn không quan tâm đến hôn nhân, cho dù bạn có đang hò hẹn hay không, hãy nói thẳng thắn với cha mẹ rằng, đó không phải là kế hoạch hay mục tiêu của cuộc đời bạn.
Nếu một lần nói chuyện không đủ để bố mẹ bạn nhận ra rằng họ không nên nói thêm với bạn về vấn đề cưới xin thì mỗi khi bố mẹ nhắc tới chủ đề này, bạn hãy chuyển chủ đề ngay lập tức để họ hiểu rằng đó không phải là điều bạn muốn nói.
Thi thoảng bạn cũng có thể đưa ra những gợi ý tinh tế rằng bạn không muốn nói về đám cưới của mình.
Khi có thể chia sẻ với bố mẹ, bố mẹ bạn sẽ nhận ra rằng hôn nhân là một chủ đề bạn không thích và không quan tâm. Họ thậm chí có thể trở thành đồng minh của bạn khi cô dì chú bác của bạn hỏi những câu hỏi tương tự trong các buổi họp mặt gia đình.
Tiến sĩ Bradford nói: "Các bậc cha mẹ luôn có những kỳ vọng về cuộc sống của con cái bởi nhiều người cảm thấy con cái là phiên bản thu nhỏ của chính họ trong khi con cái lại không nghĩ vậy.
Thực ra con cái là những người hoàn toàn khác biệt với cha mẹ và công việc của cha mẹ là hướng dẫn và bảo vệ con cái chứ không phải ra lệnh cho cuộc sống của chúng.
Thay vì cười nhạo những lời nhận xét của mẹ bạn và nói với mẹ rằng, mẹ thật phiền phức, hãy phân tích để mẹ bạn hiểu rằng bạn đã thực sự trưởng thành và sẽ tự đưa ra những quyết định theo ý của mình.
Sau một thời gian, có thể dần dần mẹ bạn sẽ hiểu rằng bạn đã là người lớn và bạn có kết hôn hay không cũng không sao cả. Bởi vì bạn sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình".