nu-cuoi-rang-ro-cua-thi-sinh-di-thi-thpt-bang--dau-goi-1530082520_500x300.jpg
 
 
Nụ cười rạng rỡ của thí sinh đi thi THPT bằng...đầu gối

Giữa cái nắng trên 30 độ trưa 27/6 tại điểm thi THCS Colette TP HCM, hình ảnh một thí sinh đặc biệt đi bằng đầu gối bước ra cổng trường khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm phục. Ấn tượng nữ thí sinh này để lại với mọi người không phải là đôi chân khiếm khuyết mà là nụ cười tươi rạng ngời lúc nào cũng nở trên môi.

IMG-4229-2616-1530082539.jpg

Nụ cười rạng rỡ của Phạm Thị Thu Thủy.

Ước mơ thành giáo viên khiếm thính

Lớn lên tại Trung tâm bảo trợ trẻ em và chưa một lần được gặp bố mẹ - thí sinh khuyết tật Phạm Thị Thu Thuỷ (sinh năm 1997) dự thi THPT Quốc gia 2018 và dự định xét tuyển vào khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm TP HCM.

Ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thành môn thi Lịch Sử và Địa Lý, Thủy cười tươi cho biết khá tự tin vào bài làm của mình. Cô bạn đặc biệt cũng dự đoán đạt trên 7 điểm mỗi môn. Niềm vui vẻ lạc quan của Thủy dường như “lây lan” sang cả những thí sinh bên cạnh.

IMG-4230-2865-1530082540.jpg

Khiếm khuyết từ nhỏ khiến Thủy phải di chuyển bằng đầu gối.

Thủy bị teo chân từ nhỏ nên phải đi bằng đầu gối. Hai chân em teo lại, chân phải có 4 ngón còn chân trái chỉ có 2 ngón. Đôi dép đặc biệt của Thủy được gắn vào đầu gối để di chuyển. Khiếm khuyết như vậy nhưng Thủy khá nhanh nhẹn, có thể tự đi, thậm chí lên bậc thang nhờ đôi tay khỏe vịn vào những điểm tựa xung quanh.

Trò chuyện với Thủy mới biết khi còn nhỏ, nữ sinh này học cùng trường với những học sinh bình thường. Năm 12 tuổi, em được chuyển vào Trung tâm Giáo dục khuyết tật Võ Thị Sáu theo học đến nay.

Kể lại khoảng thời gian khi học chung với những người bình thường, Thủy chỉ nói đi đâu em cũng bị người ta trêu chọc rất nhiều.

“Các bạn nói em không có chân, không bình thường khiến em rất buồn. Không ai chịu chơi với em cả nhưng sau khi chuyển vào trường khuyết tật, mọi người đồng cảm và thương yêu em nhiều hơn”, Thủy kể lại.

IMG-4234-2731-1530082540.jpg

Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ Thu Thủy di chuyển vào trường.

Thu Thủy là minh chứng cho tinh thần lạc quan trong cuộc sống khi suốt 12 năm em đều là học sinh khá, giỏi. Thủy khoe học đều các môn và còn giao tiếp được với các bạn bị khiếm thính học cùng mình. Hiện tại khi nhớ lại những lần bị cô lập, Thủy cười nói rằng có lẽ lúc đó các bạn chỉ là trẻ con nên không hiểu chuyện và ý thức được việc làm tổn thương người khác. Vì vậy, em không những không trách mà còn cảm ơn vì các bạn đã khiến mình của ngày hôm nay mạnh mẽ hơn.

“Em tự học để có thể nói chuyện với các bạn. Đôi lúc em còn trở thành phiên dịch cho các bạn và những người khác không hiểu ngôn ngữ của họ”, Thủy kể.

Đó cũng chính là động lực nhen nhóm ước mơ trở thành giáo viên dạy học cho người khiếm thính của cô gái trẻ đặc biệt này.

Thủy bảo bản thân còn may mắn hơn mọi người vì có thể tự ăn uống, sinh hoạt và đi lại. Cô bạn muốn trở thành cầu nối giao tiếp giữa các bạn khiếm thính và những người bình thường để cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn.

Không trách và muốn tìm lại bố mẹ

“Mình không buồn vì khiếm khuyết trên cơ thể vì nhiều người còn kém may mắn hơn. Mình chỉ buồn vì không có ba mẹ”, câu nói của cô gái nhỏ khiến người nghe nghẹn lòng.

Họ nghẹn lòng không phải bởi thương Thủy mà bởi họ khâm phục suy nghĩ của cô gái nhỏ này. Không ít lần tự hỏi tại sao bố mẹ lại bỏ rơi mình nhưng Thủy tâm sự cô không trách và rất muốn tìm lại bố mẹ. Đó là niềm ước ao lớn nhất cuộc đời của cô bạn nhỏ này.

thuy3-4921-1530082540.jpg

Ảnh đời thường lạc quan của Thủy.

Thủy vừa nói vừa bày tỏ niềm khát khao được gọi mẹ trong ánh mắt. Em hồn nhiên nói: “Em không trách mẹ đâu. Em vẫn luôn nghĩ có lý do gì đó mẹ mới để em một mình như vậy”. Càng trò chuyện, Thủy càng khiến người đối diện phải bất ngờ với suy nghĩ: “Nếu mẹ không bỏ mình có khi Thủy không được đi học, không được các thầy cô và các bác sĩ tại nơi mình ở thương yêu nhiều như vậy”.

Trong từng câu nói của thí sinh đặc biệt này đều cho thấy niềm lạc quan, luôn nghĩ về mặt tích cực của vấn đề mà có lẽ những người bình thường cũng phải học tập tinh thần ấy của em.

Kết thúc cuộc nói chuyện ngắn với Thủy, em mới tiết lộ đã được tuyển thẳng vào khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm nhưng muốn đi thi để thử sức mình.

Một niềm vui nho nhỏ ánh lên trong mắt Thủy và cả người nghe câu chuyện của em bởi ước mơ trong trẻo của cô gái này không bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực. Tiễn Thủy ra về trong cái nắng giữa trưa tại Sài Gòn, em di chuyển không quá dễ dàng trên đôi dép đặc biệt gắn vào đầu gối nhưng vẫn không quên cười thật tươi và nói lời cảm ơn.

Tiểu Nguyệt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022