Ông Nguyễn Đức Hùng, 43 tuổi, trú ở phố Kênh Đồng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh vẫn chưa thể quên vụ tai nạn xảy ra với con trai mới 8 tuổi vào 10 năm trước. Nhà ông Hùng nuôi một con chó giống beggie, bình thường vẫn xích ở cổng để trông nhà. Một lần, con trai ông Hùng lại gần, đột nhiên con chó lao vào tấn công, rất may mắn ông Hùng có mặt ở gần đã can thiệp được, bé trai bị thương nặng ở đầu gối, mất máu nhiều, phải đi cấp cứu.
“Tôi đã bán con chó hung dữ này cho một người khác nuôi, phải rất lâu sau mới dám nuôi chó trở lại, mục đích để giữ nhà. Tuy nhiên, các con chó của tôi đều được nuôi trong chuồng sắt, cách biệt với nhà mình ở, mỗi lần cho chúng ra ngoài, tôi đều dắt bằng xích sắt và mang giọ mõm cho chó. Tôi nghĩ rằng đó là cách bảo vệ chính người thân của mình và để những người xung quanh không thấy khó chịu vì mình nuôi chó”, ông Hùng nói.
Chị Hoàng Thanh Hiền, 35 tuổi, trú đường Bông Sao, phường 5, quận 8, TP.HCM dù rất yêu chó nhưng từ ngày có bầu đã mang chó cưng (giống chó phốc, nhỏ bé) sang gửi nhà mẹ đẻ vì sợ lông chó ảnh hưởng tới đường hô hấp của em bé khi chào đời.
Nói về vụ em bé 8 tháng tuổi tử vong vì bị chó ngao nhà nuôi tấn công mới đây, chị Hiền xót xa: “Tôi không biết nói gì nữa, quá thương em bé. Tôi biết nhiều gia đình nuôi chó, chó càng to càng thích, không biết để chứng minh điều gì. Nhưng nuôi con vật cũng cần hiểu biết, giống chó nào hung dữ, hiền lành và cách bảo vệ con em mình, bởi dù có được huấn luyện đến thế nào, con chó cũng có bản năng tiềm ẩn bên trong, một lúc nào đó có thể gây hại cho con người”.
Vũ Thuỵ Vy, 22 tuổi, người quản trị fanpage Đội cứu trợ chó mèo Sài Gòn Time Group cho biết độ lành hay có thể gây hại của chó nuôi ảnh hưởng lớn từ cách thuần chủng, dạy dỗ của chủ nhà. Do đó, theo chị Vy, cần có hiểu biết khi nuôi chó, biết cách thuần chủng chúng, bảo đảm an toàn cho chính các thành viên trong ngôi nhà mình. “Ngao Tây Tạng là giống chó dữ, khó thuần chủng, khi nó nổi giận có thể hung dữ như sư tử. Nhiều người thích nuôi chó lớn để làm cảnh nhưng những gì hiểu về chúng còn hạn chế, gây đến những hậu quả đáng tiếc”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Đằng, chủ cà phê chó cưng tại 110 Lê Lai, phường An Phú, quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết, anh đã nuôi và tư vấn cho rất nhiều khách hàng tới quán về những chó cưng có thể nuôi trong nhà. Song, anh chưa bao giờ tư vấn cho khách nên nuôi các giống chó săn, chó hung dữ.
“Những con chó như ngao Tây Tạng, chó beggie, Pit Bull, Rottweiler... thường được thuần chủng, huấn luyện để làm chó bảo vệ. Nhiều người Việt bỏ ra số tiền lớn để sở hữu một con chó mà không biết mình đang nuôi con vật hung dữ, có thể so sánh như sư tử”, anh Đằng thông tin.
Phụ huynh giám sát trẻ nhỏ khi chơi với chó cảnh trong quán cà phê chó cưng ở Cần Thơ
Danny Nguyen
|
Theo anh Đằng, những con chó hung dữ trên nếu không được huấn luyện, thuần chủng cẩn thận sẽ có nguy cơ tấn công con người rất lớn. Nó sẽ rất trung thành, nhưng với chỉ người cho nó ăn trực tiếp mỗi ngày: “Thật khủng khiếp nếu chủ nhà nuôi một con chó ngao Tây Tạng nghĩ rằng nó trung thành và ngoan ngoãn, để mặc con của mình chơi với nó. Em bé sẽ không biết con chó nguy hiểm, vô tình giật đuôi hay bẹo má nó, nó sẽ tấn công bất chợt”.
Chủ nhân của nhiều con chó giống Alaska, Husky cho biết, ngay cả các giống chó cảnh, chó hiền nhưng bản năng của nó tiềm ẩn vẫn có thể gây nguy hiểm cho con người. Do đó, khi nuôi chó cảnh trong nhà, cả khi con chó được dạy dỗ, thuần chủng chu đáo, người lớn vẫn cần trông chừng trẻ nhỏ, để em bé được an toàn nhất với con chó, không làm gì khiến chó giật mình, hoảng sợ và phản xạ gây hại cho em bé.
Anh Đằng cũng đồng tình với chủ trương nên mang giọ mõm cho tất cả các con chó khi đưa chúng ra ngoài đường, như vậy sẽ không gây cảm giác hoảng sợ, khó chịu của người dân nơi công cộng, cũng như hạn chế được nhiều tai nạn đáng tiếc, không mong muốn.