Mỗi cuối năm, dân công sở lại rơi vào trạng thái cảm xúc lẫn lộn. Bởi với những công ty làm ăn thuận lợi thì nhân viên cũng được hưởng phần phúc lợi vui vẻ. Song, với những tổ chức công việc kinh doanh không thuận lợi thì khoản thưởng cuối năm của nhân viên vì thế mà không "dày" như mọi năm.
Tết đến, dân công sở "chán ngán" với loạt câu hỏi về tiền bạc và không phải ai cũng có thể khéo léo đáp trả những "lời hỏi thăm kém duyên" như thế.
"Năm nay chắc được thưởng nhiều, cháu nhỉ?"
H.T - nhân viên văn phòng tại Hà Nội kể rằng, cô đã trải qua năm 2022 với nhiều "vấp ngã" trong công việc. Bởi thế, Tết năm nay khi nhắc đến chuyện lương, thưởng giống như cái gai trong lòng H.T vậy.
Tết là dịp để sum vầy cùng gia đình, người thân chứ không phải là lúc để so sánh xem ai có mức thu nhập tốt hơn (Ảnh: Vân Hương).Cô chia sẻ: "Mình đã có hơn 3 năm gắn bó với công ty cũ, nhưng gần cuối năm, mình nhận được thông báo rằng bản thân "không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục làm việc". Mặc dù suốt cả năm dài đằng đẵng mình đã cố gắng làm việc, cống hiến hết mình, không ngại tăng ca về muộn, nhưng đến cuối cùng vẫn không được công nhận. Có những chuyện thị phi chốn công sở ập đến, mình cảm thấy rất buồn và thất vọng với cách hành xử không công bằng của cấp trên.
Mình chuyển việc vào cuối năm, lại vào vị trí công việc không đúng ý. Thế nên mình đã cố cầm cự để qua Tết rồi "nhảy việc".
Mình rất sợ Tết đến, khi họ hàng đến thăm nhà sẽ lại tra khảo mình với những câu hỏi như "năm nay chắc được thưởng Tết nhiều, cháu nhỉ?"; hay có người còn nói luôn "con nhà cô năm nay được thưởng 3 tháng lương đấy, cháu thì sao?". Nghe nhiều thành ám ảnh luôn rồi".
Mọi năm, H.T luôn cười trừ cho qua trước những câu hỏi kém duyên và có phần so sánh như thế. Cô cho rằng, có những câu người ta hỏi chỉ để thỏa mãn sự tò mò, tính tọc mạch, nên cứ giữ quan điểm "im lặng là vàng" thôi.
"Bẻ lái" sang chuyện khác
Câu chuyện của H.T không phải là điều hiếm thấy trong dịp Tết. Thu Thủy (làm việc tại TP HCM) thì cách tốt nhất để "không mất lòng" ai trước những câu hỏi như thế chính là "bẻ lái" sang chuyện khác. Với Thủy, thái độ ứng xử sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến không khí cuộc trò chuyện ngày đầu năm.
Thủy bày tỏ: "Mình thường đưa câu chuyện sang một hướng khác để mọi người đều không cảm thấy ngượng nghịu. Chẳng hạn như khen bộ đồ đối phương đang mặc, hay cảm thán kiểu tóc hợp thời trang…
Nhiều bạn trẻ "ngán ngẩm" trước những câu hỏi kém duyên ngày Tết (Ảnh: Vân Hương).Mình hay trả lời kiểu như: "Dạ, cháu thì mọi thứ cũng bình thường thôi. Mà kiểu tóc này hợp với cô đó nha, nhìn tươi trẻ hẳn ra ạ".
Một câu khen sẽ khiến người đối diện biết rằng mình đang không muốn câu chuyện đi theo hướng liên quan đến công việc, tài chính. Có thể người ta không biết mở đầu câu chuyện như thế nào nên mới hỏi kiểu đó, cứ vui vẻ cho năm mới suôn sẻ".
Đừng trả lời con số cụ thể
Huyền Phương (làm việc tại Bình Dương) đối mặt với những câu hỏi nhạy cảm ngày Tết bằng tâm thế xem nhẹ, xã giao. Trong quan điểm của Phương, nếu ai đó hỏi chuyện lương thưởng thì đừng bao giờ trả lời con số cụ thể. Bởi vì dù thế nào đi chăng nữa việc nói ra một con số sẽ vô tình đẩy bạn trở thành nhân vật để người khác mang ra so sánh, bàn luận.
Theo đó: "Mình sẽ trả lời nửa đùa nửa thật chứ không bao giờ đưa ra một con số cụ thể nào cả. Thôi thì ngày đầu năm cứ đối đãi theo kiểu "chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì", ai cũng thoải mái và vui vẻ hơn. Cả năm đi làm xa rồi, Tết là dịp để sum vầy, chia sẻ về một năm đã qua chứ không phải để soi mói rồi phán xét nhau giàu có hay như thế nào cả.
Hơn thế nữa, tiền bạc cũng không phải là thứ dùng để đánh giá cách sống của ai đó. Năm mới rồi, cứ vui cười và không ngừng hy vọng về những điều tốt đẹp đang đợi phía trước".
Tạm kết
Một năm cũ khép lại cũng là lúc chúng ta cần nói lời tạm biệt với những chuyện quá khứ. Năm mới đến, hãy thể hiện sự quan tâm một cách tinh tế, đừng biến lời hỏi han đầu năm trở thành câu chuyện kém duyên.
Vậy còn bạn, bạn sẽ đáp như thế nào khi được hỏi chuyện lương, thưởng trong cuộc vui ngày Xuân?