Đó là một trong nhiều khoảnh khắc về đám hỏi xuyên biên giới giữa mùa dịch Covid-19 của cô dâu Trần Thúy Tường Vân và chú rể Lê Việt Tiến (cùng 27 tuổi, đang sống tại Singapore).

Làm đám hỏi qua màn hình ti vi

Cách đây vài năm, đôi bạn trẻ Tường Vân và Việt Tiến đến Singapore để du học. Sau khi tốt nghiệp, đôi bạn quyết định ở lại đảo quốc sư tử để làm việc rồi yêu nhau được hơn 3 năm. Tháng 2 vừa qua, Vân bất ngờ nhận được lời cầu hôn từ bạn trai. Thế là cả 2 quyết định tiến tới hôn nhân bằng cách đăng ký kết hôn ngay tại nơi mình đang sống. Để chuẩn bị về chung một nhà, cặp đôi dự định sẽ tổ chức lễ cưới vào năm sau và đám hỏi rơi vào những ngày đầu tháng 8.
Tuy vậy, dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát nhiều tháng liền ở cả Singapore lẫn Việt Nam khiến cặp đôi cảm thấy bối rối. Vân và Tiến tìm mọi cách để về nước nhưng cũng không thể được và dự định hủy luôn đám hỏi. Cuối tháng 7 vừa rồi, điều không may là mẹ của Vân bỗng nhiên bệnh nặng, phải nằm viện để hóa trị. Qua bàn bạc, 2 gia đình cùng cặp đôi mong muốn làm đám hỏi sớm để mẹ Vân cảm thấy yên lòng. Cho nên, quyết định cuối cùng của tất cả mọi người là làm đám hỏi bằng hình thức trực tuyến. Gia đình của Việt Tiến bay từ Hà Nội vào TP.HCM (nhà Vân) để tổ chức đám hỏi. Còn cặp đôi sẽ xuất hiện qua một màn hình ti vi có kết nối mạng internet. Mục đích cũng để 2 gia đình gặp mặt sum họp chứng nhận Vân - Tiến là vợ chồng.
“Ban đầu tôi cũng thấy hơi ngộ, chỉ muốn làm qua loa gọi điện thoại vậy thôi. Mặc dù trực tuyến nhưng tôi cũng muốn gì đó cho nó đàng hoàng hơn, muốn chụp hình, quay phim cho mẹ xem. Nói là trực tuyến nhưng tôi cố gắng làm sao để cho không khí, cảnh vật được trang trí không thiếu gì. Chỉ là 2 chúng tôi không có mặt ở nhà mà thôi”, Vân chia sẻ.
dam-hoi1_vqdz.jpg

Gia đình ở Việt Nam chào cô dâu - chú rể qua màn hình

ẢNH: NVCC

Khâu chuẩn bị lễ ở Singapore của vợ chồng Vân khá đơn giản. Vân chỉ mua ít hoa về rồi tự trang trí phòng khách. Màn hình ti vi được quay đối diện với phông nền có hoa trang trí. Vân được bạn trang điểm. Còn chụp ảnh bằng máy ảnh có sẵn, sau đó gửi ảnh về nhà để in ra bài trí trong buổi lễ. Màn hình ti vi được kết nối với máy tính để bắt mạng wifi. Áo cưới Vân mượn tạm của bạn, còn áo vest chú rể mua bên ngoài. Đến khâu quan trọng của buổi lễ, cô dâu chú rể ai nấy đều tưởng tượng như mình đang có mặt ở nhà. Chú rể đứng bên ngoài cửa đợi, đến khi họ hàng nhà trai ở Việt Nam bước vào thì cũng bước theo. Sau đó chú rể lên phòng nắm tay cô dâu bước từ cầu thang xuống phòng khách. Đến trước màn hình, cả 2 cúi đầu chào rồi đứng nhìn 2 họ phát biểu, hành lễ cúng trên bàn thờ. Chú rể cũng chuẩn bị sẵn nhẫn cưới. Khi xong phần phát biểu, chú rể lấy nhẫn rồi đeo vào tay cô dâu trước sự chứng kiến của 2 họ qua màn hình. Lắm lúc âm thanh nhỏ, vài người chen ngang làm mất cảnh trong màn hình, 2 vợ chồng cũng chỉ biết gật đầu cúi chào mỉm cười đáp lễ mà không hiểu gì.
“Buồn cười nhất là lúc mọi người trao quà, vòng vàng cho tôi trước máy quay. Tôi đứng ở bên này liền giơ tay ra nhận”, Vân hài hước chia sẻ.

Uyển chuyển cho phù hợp hoàn cảnh

Trong khi đó, tại đầu cầu Việt Nam, phía nhà gái đứng đầu là ông Trần Thiện Khoa (cha của Vân) cũng tất bật chuẩn bị đám hỏi từ nhiều tuần trước cho con gái. Ông Khoa sắm sửa ti vi, cài đặt phần mềm kết nối trực tuyến. 3 máy quay trên iPad, điện thoại và máy tính được lắp đặt nhiều góc trong nhà. Mỗi ngày ông đều thử máy và kết nối với con gái ở bên kia để chắc chắn không gặp sự cố gì. Ngoài ra, không gian nhà cũng trang trí, bày biện như một đám hỏi bình thường.
Ông Khoa cho biết: “Cái khó là đợt dịch lần 2 này, nhà trai lo lắng khó vào TP.HCM. Chúng tôi cũng đã coi ngày và vợ tôi bệnh nên khó dời lại. Tôi bàn bạc làm trực tuyến thì nhà trai quyết tâm vào. Họ mua đồ bảo hộ mặc, đi từ Hà Nội vào TP.HCM. Còn khoảng 15 phút nữa tới giờ đám hỏi và nhà trai chuẩn bị vào thì nhà tôi bị rớt mạng. Tôi rớt mồ hôi hột luôn, nhưng hên quá 2 phút sau sửa vừa kịp lúc là nhà trai bước vào”.
dam-hoi2_uypi.jpg

Gia đình cô dâu đang thử kết nối trước khi vào buổi lễ chính

Mặc dù làm đám hỏi trực tuyến nhưng ông Khoa cũng tính toán nhà trai với nhà gái cộng lại là vừa đủ 28 người, không vi phạm quy định “không tập trung quá 30 người”. Khi đội hình bưng quả vừa hoàn thành nhiệm vụ, ông Khoa lập tức cho giải tán. Còn nhà trai thì chia thành 2 tốp, 1 tốp vào nhà và 1 tốp đứng ở bên ngoài. Vì không được tụ tập đông nên ông Khoa không tổ chức tiệc ăn uống. Nhà trai về khách sạn rồi tự tổ chức ăn riêng. Nhà gái cũng tự ăn riêng. Có như vậy mới không bị mất tình vì không biết bỏ ai, mời ai. Thời điểm làm lễ, cả 2 họ ai nấy đều cảm động, bởi lúc dịch bệnh được thấy mặt 2 cháu là điều vui mừng. Ba mẹ chồng của Vân rớm lệ vì thấy mặt con hạnh phúc trong ngày đặc biệt qua màn hình.
Ông Khoa cho rằng mặc dù tổ chức trực tuyến, nhưng buổi lễ diễn ra ấm cúng, không khác gì một đám hỏi bình thường. “Nhìn lại tôi thấy rất vui vì sau nhiều khó khăn, cuối cùng đám hỏi của mình cũng thành công. Mình cố gắng cũng sẽ vượt qua được. Do đó tôi thấy không phải vì chuyện dịch này mà mình dừng lại mọi chuyện. Chủ yếu là mình uyển chuyển nó như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh mà thôi”, cô dâu Tường Vân kể về kỷ niệm hạnh phúc nhất đời mình.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022