Nhận thấy việc phân loại rác thải mất nhiều thời gian công sức, trong khi công việc phân loại rác lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân, Nguyễn Xuân Hiếu (lớp 12 tin) và Phan Thị Hương Bình (lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã có ý tưởng chế tạo cánh tay robot phân loại rác.
Hiếu cho hay, ban đầu cả 2 gặp không ít khó khăn về kiến thức. Một số kiến thức về lập trình, trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính các em chưa được học nên phải nhờ thầy cô hướng dẫn. Chưa kể các em cũng gặp nhiều khó khăn khi phải tìm mua linh kiện, con chíp. Cả 2 phải mất nhiều thời gian lang thang trên mạng để tìm mua thiết bị.
Thời gian đầu cánh tay robot gặp không ít trục trặc. Có những lúc lại nhận diện sai mục tiêu. Đến tháng 1.2020, sau 6 tháng chế tạo, thiết bị phân loại rác thải dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo của Hiếu và Bình mới hoàn thiện và hoạt động ổn định.
Thiết bị này hoạt động theo nguyên lý những hình ảnh ở mọi góc độ của các loại rác thải được lưu trữ trong bộ nhớ robot. Thiết bị sẽ nhớ những hình ảnh của các loại rác. Sau đó, thông qua băng chuyền rác thải được chuyển đến phạm vi hoạt động, camera của thiết bị sẽ bắt đầu nhận diện. Cánh tay robot đã được lập trình sẽ phân loại và đưa rác thải vào từng nơi phù hợp theo nhận dạng.
“Cánh tay robot sử dụng thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo có độ chính xác và tốc độ làm việc cao hơn con người. Thiết bị sẽ giảm thiểu tối đa những sai sót do con người gây ra, cắt giảm chi phí lao động. Thiết bị còn thay thế con người trong những công việc nguy hiểm, độc hại trong môi trường làm việc khắc nghiệt”, Hiếu chia sẻ.
Vừa qua, cánh tay robot do Hiếu và Bình chế tạo đã đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Kon Tum năm 2019 - 2020. Hiện tại sản phẩm này đang tiếp tục tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng toàn quốc.
Theo thầy Phan Đức, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, dự án cánh tay robot phân loại rác có tính ứng dụng rất cao và thiết thực trong cuộc sống, nên đã đạt được nhiều giải nghiên cứu sáng tạo tại tỉnh nhà.