Mới đây, MXH đang xôn xao trước bài viết của một vị phụ huynh tại Hà Nội. Trong bài viết, nam phụ huynh cho biết mình đã chuẩn bị sẵn những quyển sách cho hai con sinh đôi 5 tuổi của mình đọc. Đáng chú ý là trong kho tàng sách mà vị phụ huynh này chuẩn bị phần lớn đều là những đầu sách dạng self-help "nặng đô" đến mức người lớn còn khó mà có thể tiếp thu được như: "Muôn kiếp nhân sinh", "Từ chánh niệm đến giác ngộ", "Suối nguồn tâm linh", "Kinh dịch đạo người quân tử", "Đắc nhân tâm"...
Chi tiết toàn bộ bài đăng của nam phụ huynh đến từ Hà Nội
Sau khi bài viết được đăng bài, cư dân mạng đã chia ra làm 2 phe tranh cãi nảy lửa. Có người cho rằng những cuốn sách này và kiến thức truyền tải qua chúng là quá sức với một đứa trẻ 5 tuổi. Song, cũng có người lại cảm thấy sách là vô giá nên ai muốn đọc gì thì đều có thể đọc.
5 tuổi là quá nhỏ để có thể đọc hiểu những quyển sách chứa đựng thông điệp sâu xa
Hơn một nửa ý kiến bày tỏ những quyển sách self-help mà ông bố liệt kê ra là không phù hợp với trẻ em 5 tuổi. Lý do là bởi các đầu sách đều khá...nhiều chữ và có nhiều triết lý, quan niệm được gài gắm trong đó, đến người lớn đọc còn chưa chắc đã hiểu và tiếp thu được hết, đừng nói gì đến trẻ con.
"Nhìn danh sách mà choáng luôn. Sách cho bé 5 tuổi mà mình tưởng cho người 50 tuổi không đấy. Chắc là bé sẽ không muốn đọc cuốn nào trong danh sách này cả đâu! Bố mẹ nên mua các sách như: 10 vạn câu hỏi vì sao, sách tìm hiểu vũ trụ, đại dương, các loài thú... thì con sẽ thích thú hơn nhé!", chị Linh - một bà mẹ 2 con tại TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo chị Linh, việc đọc sách tuy là tốt nhưng không phải cuốn sách nào cũng là thích hợp với trẻ lên 5: "Mình nghĩ đọc xong những quyển này con sẽ mất hết tuổi thơ. Kể cả trường hợp con có thể hấp thụ được hết những chân lý trong mấy quyển này đi thì đến lớp con cũng khó có thể hòa nhập được với bạn bè vì kiến thức con sở hữu quá cao siêu".
Đồng tình với chị Linh, chị Hoàng Minh Thúy đến từ Đà Nẵng bình luận: "Bạn chuẩn bị quá sớm! Với lứa tuổi này thì các cháu nên bắt đầu từ truyện cổ tích Việt Nam, hay Hạt giống tâm hồn, rồi bổ sung thêm tủ sách Nguyễn Nhật Ánh là đủ. Danh sách của bạn chỉ thích hợp cho lứa tuổi THPT trở lên thôi. Đọc sách là niềm vui chứ không phải áp lực kiểu này".
Việc lựa chọn đầu sách phù hợp với lứa tuổi của con là cực kì cần thiết. Ảnh minh họa
"Sao toàn sách tự chữa lành thế này? Xây tủ sách cho con thì bố mẹ nên đọc hết trước để xây dựng cho con một lối tư duy thống nhất bằng việc lựa chọn những đầu sách liên quan và bổ trợ nhau", một cư dân mạng bình luận.
Nói chung là rất hoan nghênh tinh thần hướng con đọc sách của bạn. Nhưng các bé mới 5 tuổi thì bạn hãy chọn cho con sách 5 tuổi và cứ theo độ tuổi của con để mua dần và định hướng cho con. Những quyển sách trong danh sách của bạn, nói thật có khi người 70 tuổi chưa chắc đã đọc, đọc cũng chưa chắc đã hiểu. Vậy tại sao phải lo xa vậy?", anh Bùi Việt Anh (nhân viên văn phòng) nhắn nhủ.
Độ tuổi nào đọc sách nào không quan trọng, quan trọng là con trẻ có thích hay không
Ngược lại, một vài người cho rằng sách là dành cho tất cả mọi người nên không thể giới hạn rằng độ tuổi nào mới được đọc những thể loại sách này. Điều quan trọng hơn cả vẫn là trẻ có hứng thú đọc hay không. Và nếu trẻ cảm thấy hứng thú thì cứ để con đọc. Điều này không chỉ tốt cho tư duy của trẻ mà con giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ đến một mức độ phức tạp hơn.
Chị Hồng Hạnh, hiện đang có con trai học lớp 2 cho biết: "Mình thấy ông bố này là một người có suy nghĩ khá sâu xa khi muốn hướng con đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là phong cách giáo dục con cái của anh ấy, chúng ta không nên phê phán hay nhận xét gì. Quan trọng là con anh ấy sau khi đọc xong những quyển sách trên học hỏi được điều gì".
Bản thân chị Hạnh cũng luôn khuyến khích con mình đọc sách từ khi còn nhỏ. Và dù mới chỉ đang học cấp 1 nhưng cậu bé rất chăm chỉ học hỏi, tìm tòi và có thể trao đổi với mẹ về những nội dung khá "cao siêu" trong các cuốn sách cậu bé đã đọc.
"Đôi khi đọc những quyển sách nặng đô như vậy chính là sở thích của con và con mình chính là một ví dụ điển hình. Ở nhà mình có một tủ sách với vô vàn thể loại từ thiếu nhi, truyện tranh... Nhưng con mình toàn chọn những quyển sách self-help thôi. Nhưng nhìn chung thì là cha mẹ, chúng ta vẫn cần hướng dẫn con đọc cho đúng và không nên đọc nhồi nhét quá nhiều. Cần xen kẽ giữa những cuốn sách nêu trên và những cuốn sách tuổi thơ", chị Hạnh nhận định.
"Có nhiều đứa trẻ không thích đọc những quyển sách tuổi thơ đâu, nên không thể áp đặt quan điểm của số đông cho cá nhân được. Mình biết có những đứa trẻ mới biết đọc nhưng đã chinh phục rất nhiều quyển sách self-help nhiều lớp lang ý nghĩa, hỏi lý do vì sao thì chúng nó chỉ bảo là thích", một phụ huynh khác cho hay.
Đương nhiên, cũng không nên coi thường khả năng đọc hiểu vấn đề của trẻ. Ảnh minh họa
Trẻ em nên đọc sách thể loại nào?
Nhìn chúng, đọc sách có tác dụng rất lớn cho sự phát triển tương lai của con trẻ và là sở thích nên được khuyến khích. Song, việc cho con đọc sách gì để phù hợp với lứa tuổi không phải phụ huynh nào cũng có thể biết được. Và dưới đây là những thể loại sách mà cha mẹ nên cho con đọc khi còn nhỏ:
1. Chọn truyện cổ tích cho con
Không cần nói đâu xa, Việt Nam sở hữu một kho tàng truyện cổ tích đồ sộ. Vậy nên, cha mẹ cần phải khai thác tốt nguồn tài nguyên phong phú này trong việc phát triển niềm yêu thích đọc sách cho con.
Lý do nên cho bé đọc là bởi những câu chuyện này thường có nhiều ý nghĩa nhân văn và ẩn chứa nhiều bài học về đạo đức và giúp trẻ em khám phá - phân biệt được đúng sai, dạy con kỹ năng tư duy phê phán. Ngoài ra, những câu chuyện cổ tích thường được viết bằng những câu văn ngắn và đơn giản với những hình ảnh nhân vật không quá phức tạp để các bé trên 5 tuổi đều có thể hiểu được. Từ đó, nó sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo, tưởng tượng, tư duy ngôn ngữ trong trẻ.
Để thêm phần sinh động và khuyến khích việc đọc sách của bé thì cha mẹ nên chọn những sách truyện cổ tích với hình ảnh, màu sắc minh họa vui nhộn, đáng yêu…
Truyện cổ tích là một sự lựa chọn hay ho dành cho tủ sách trẻ em. Ảnh minh họa
2. Sách văn học là một lựa chọn tốt
Bên cạnh truyện cổ tích, ba mẹ cũng nên cho trẻ tiếp xúc với văn học kinh điển trong nước hay nước ngoài ngay từ khi còn nhỏ để tăng vốn sống cần thiết, sự tiếp xúc và trải nghiệm của các con đối với những vấn đề xã hội của con.
Các con có thể tiếp xúc sớm với các tác phẩm văn học hiện thực Việt Nam. Một số tác giả và đầu sách nổi tiếng như Dế mèn phiêu lưu ký, Không gia đình, Cây cam ngọt của tôi ... hay những truyện ngắn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Những cuốn sách này chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa nhưng không hề khô khan cho tâm hồn non nớt của con trẻ.
3. Sách khám phá khoa học vui
Đến một độ tuổi nhất định nào đó, con sẽ có những hiểu biết cơ bản về những sự vật xung quanh. Lúc này, bé sẽ bắt đầu đặt những câu hỏi “vì sao?” hay “tại sao?”… Đây là lúc ba mẹ nên trang bị cho con những kiến thức cơ bản về cuộc sống qua những cuốn sách khoa học cơ bản về những lĩnh vực mà bạn thấy con yêu thích và quan tâm chẳng hạn như: vũ trụ, sinh vật học, động vật học…
Tuy nhiên, bạn không thể cho bé đọc những cuốn sách quá khô khan, cứng nhắc về lý thuyết. Thay vào đó, cha mẹ có thể chọn những cuốn sách viết về những vấn đề trên với cách viết hài hước vui nhộn và diễn giải một cách đơn giản, dễ hiểu.
Việc đọc sách khám phá khoa học giúp trẻ phát triển IQ rất tốt. Ảnh minh họa
4. Lạc vào thế giới màu sắc cùng truyện tranh
Trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ, có lẽ không thể thiếu vắng những cuốn truyện tranh. Màu sắc, hình ảnh sinh động, nội dung phù hợp với những bài học nhân văn. Đó là những điều trẻ có thể học được từ các cuốn truyện tranh đầu đời được ba mẹ tặng.
Những cuốn như Thần đồng đất Việt, Doraemon… là những cuốn truyện tranh kinh điển mà cha mẹ có thể tham khảo và lựa chọn cho các con. Truyện tranh phù hợp với hầu hết mọi độ tuổi của trẻ, đặc biệt là khoảng 6 tuổi bởi những lời thoại ngắn, hình ảnh hết sức đời thường trong các bộ truyện tranh có thể sẽ là một cách hay để giúp trẻ luyện đọc nhanh hơn.
Truyện tranh cũng là một cách để bé mở mang kiến thức và kích thích trẻ khám phá thế giới xung quanh. Song, để lựa chọn truyện tranh cho bé, ba mẹ nên tìm hiểu kĩ về nội dung của tập truyện đó trước khi cho con tiếp cận. Phụ huynh cũng có thể cùng trò chuyện với con về những tình huống vui và hài hước trong truyện để tìm hiểu xem bé đã hiểu câu chuyện ấy như thế nào.
Tổng hợp