Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, hôm nay cho biết sau khi nhận đơn khiếu nại, Sở sẽ xác minh thông tin từ cả hai phía.
"Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật chúng tôi sẽ xử lý", ông Linh nói, cho biết Phòng giáo dục thường xuyên của Sở là nơi cấp phép và quản lý trung tâm ngoại ngữ này.
Phụ huynh nói đã gửi đơn khiếu nại từ ngày 11/10 tới cả UBND và HĐND thành phố. Theo các phụ huynh, trung tâm này tổ chức học trực tuyến từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022 do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng thường xuyên báo nghỉ đột xuất. Nhiều lý do được đưa ra, như giáo viên nước ngoài đi tiêm, giáo viên mắc Covid, mạng internet của giáo viên hỏng, nghỉ giữa học phần. Từ ngày 12/4/2022, dù đã thông báo hoạt động bình thường, trung tâm vẫn thường xuyên cho học sinh nghỉ.
"Cả năm 2022, nhiều học sinh học được tổng cộng hai tháng, có em chỉ được 5-6 buổi", đơn khiếu nại nêu. Phụ huynh cũng cho rằng chất lượng giảng dạy không được như ban đầu và yêu cầu trung tâm này hoàn trả 731,7 triệu đồng học phí theo hai đợt, vào ngày 30/10 và 15/11, mỗi đợt 50% và không đồng ý phương án bảo lưu hay chuyển thành học bổng.
Phụ huynh cho biết trong khoảng thời gian 13/10-18/10, họ đã liên tục liên hệ với người đại diện của trung tâm này qua điện thoại, tin nhắn và email nhưng không nhận được phản hồi.
Phụ huynh đến Trung tâm tiếng Anh Apax English Đà Nẵng để khiếu nại. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Ông Linh cho rằng trung tâm có thể vì lý do "cực chẳng đã" mới để xảy ra sự việc nói trên. Theo ông Linh, đây là quan hệ dân sự, thoả thuận giữa phụ huynh người học và trung tâm. Nếu trung tâm đã cam kết mà bán gói dịch vụ không đúng thì phải trả lại tiền, còn không trả thì phụ huynh có thể kiện ra toà.
Hồi cuối tháng 9, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), hàng chục phụ huynh cũng gửi đơn tới Sở Giáo dục và Đào tạo, phản ánh Trung tâm tiếng Anh Apax English - Apax Leaders "ôm tiền bỏ rơi khách hàng". Công ty chủ quản sau đó lý giải do gián đoạn liên lạc, một số phụ huynh "không nhận được thông tin", gây bức xúc và hiểu lầm.
Đông Hằng