Dù đã thực hiện được 2 năm, song Thông tư 30 về bỏ chấm điểm học sinh tiểu học vẫn khiến nhiều thầy cô, lãnh đạo trường mệt mỏi khi đánh giá học sinh, in giấy khen. Tổng kết năm học 2015-2016, học sinh lớp 1 trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) nhận được giấy khen khiến phụ huynh khó hiểu. Nội dung giấy khen ghi "đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt".
Bà Dương Thị Nụ, Hiệu phó trường Tiểu học Tân Phương, giải thích trường ghi giấy khen theo tinh thần Thông tư 30, tức không ghi học sinh Xuất sắc, Giỏi, Tiên tiến như trước mà linh hoạt trong việc ghi nội dung khen thưởng học sinh. Nhà trường thống nhất khen theo hai nội dung: khen toàn diện với học sinh rèn luyện tốt về tất cả các mặt và khen từng mặt đối với học sinh đạt thành tích tốt ở lĩnh vực nào đó.
Giấy khen ghi danh hiệu học sinh được "khen từng mặt" gây khó hiểu. |
Vị hiệu phó cho rằng giấy khen ghi như vậy còn chung chung, chưa cụ thể học sinh được khen mặt nào, khiến phụ huynh lẫn các con khó hiểu. "Nhà trường nhận khuyết điểm này và rút kinh nghiệm cho năm học sau, chúng tôi sẽ ghi cụ thể danh hiệu học sinh tốt lĩnh vực nào", bà nói và cho biết toàn bộ học sinh đạt một mặt nào đó đều nhận được giấy khen có nội dung này. Nếu phụ huynh yêu cầu thì nhà trường sẽ thu hồi và làm lại cho các em.
Ở cương vị quản lý, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng giấy khen này vẫn đúng với tinh thần của Thông tư 30, song khen gì thì nhà trường cần ghi rõ, như Toán, Tiếng Việt, văn nghệ, thể thao...
Đề cập Thông tư 30, vị hiệu trưởng chỉ lắc đầu và nói "các giáo viên và lãnh đạo nhà trường đều quá mệt mỏi". Theo bà, tinh thần thông tư là tốt, nhưng chỉ khả thi đối với những lớp sĩ số ít, 20-25 học sinh, giáo viên dễ dàng quản lý. Đối với khu vực nội thành, nhiều nơi lên đến 50-60 học sinh thì thầy cô không thể nào bao quát, đánh giá hết được các em chỉ trong một vài lời nhận xét chung chung.
Theo thông tư, giáo viên cần đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá từng học sinh vào cuối năm. Thực tế, họ thường gộp học sinh có năng lực tương đương vào một nhóm và cho chung một lời nhận xét. Việc làm này mang tính hình thức và cũng không thể trách giáo viên vì bị các loại giấy tờ, sổ sách "đè" đến ngộp thở.
"Viết nhiều, nhận xét nhiều cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vì bù đầu nhận xét, đánh giá, nghĩ cách ghi giấy khen nội dung gì thì hãy để cho giáo viên tập trung vào chuyên môn. Các thầy cô cần thời gian để biết học sinh đang yếu môn nào, gặp khó khăn gì, cư xử chỗ nào chưa ổn. Việc giáo dục học sinh thành người có nhân cách còn quan trọng hơn nhiều so với dạy kiến thức và nghĩ cách khen", bà nói.
Phương Hòa