Lê Văn Vũ, quê Thanh Hóa, là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được thành phố Hà Nội tuyên dương năm 2024, nhờ điểm tốt nghiệp cao nhất trường Đại học Giao thông vận tải - 3.86/4.

Có mặt trong lễ vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cách đây vài hôm, Vũ nói tâm trạng buồn vui lẫn lộn.

"Trong 100 bạn, mình thuộc nhóm lớn tuổi nhất. So với những bạn cùng tuổi, mình thấy mình đi chậm", Vũ nói. "Nhưng có lẽ mọi thứ đều là cái duyên. Trở thành thủ khoa đầu ra đại học ở tuổi 28 là điều mình chưa từng nghĩ tới".

Le-Van-Vu-6906-1728101802.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iIPm6zgf53utPhydLhCGEQ

Lê Văn Vũ. Ảnh: Dương Tâm

Vũ là học sinh giỏi của trường THPT Lê Lợi, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, anh đạt 25 điểm tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa), trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm đó, điểm chuẩn vào Bách khoa cao nhất chỉ 23,5.

Vào trường, Vũ thấy sung sướng khi lịch học ít hơn thời THPT. Có thời gian rảnh, Vũ đi chơi nhiều, chểnh mảng việc học. Nhờ có nền tảng tốt các môn khoa học tự nhiên, Vũ vẫn đạt điểm tổng kết khoảng 2.7/4 - loại khá, trong năm đầu.

Dù vậy, do sa đà chơi điện tử, cả ngày chỉ ở quán Internet, Vũ trốn học ngày càng nhiều. Đến đầu năm thứ tư, nam sinh nợ gần 40 tín chỉ, tương đương một phần tư chương trình học.

"Năm thứ ba gần như mình không học hành gì", Vũ nhớ lại. Chàng trai quê Thanh Hóa cho biết từng có ý định quay lại học nhưng nhanh chóng chán nản do hổng kiến thức, lại bị giới hạn số tín chỉ đăng ký mỗi kỳ do chưa đạt chuẩn tiếng Anh của trường. Vì thế, Vũ bỏ học.

Về quê, Vũ rơi vào khoảng thời gian "kinh khủng nhất", bị bố mẹ và người xung quanh nói ra nói vào, phải nghe đi nghe lại câu hỏi "Thế giờ mày làm gì?".

Không thể chỉ nằm nhà, Vũ xin làm công nhân ở công ty xây dựng của bác ruột. Công việc hàng ngày thường là cắm biển báo, trải nhựa đường, lương 6-7 triệu đồng. Sự vất vả khiến Vũ một lần nữa nghĩ đến đi học.

Khi đó, người bác khuyên Vũ thi vào ngành Cầu đường để sau có thể làm ở vị trí khác trong công ty. Được bố mẹ và người yêu động viên thi lại đại học, Vũ quyết định tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, cùng với hai em ruột.

Ban ngày, Vũ đi làm ở công trường, tối về ôn thi. Xa kiến thức phổ thông đã 5 năm, Vũ gần như không còn nhớ gì nên phải nhờ hai em hỗ trợ. Kết quả, Vũ đạt 18 điểm, trúng tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Cầu đường bộ của Đại học Giao thông vận tải.

Vũ cho hay vào trường trong tâm thế của người đã có kinh nghiệm học đại học, không còn chủ quan, chểnh mảng như thời ở Bách khoa. Anh tập trung nghe giảng trên lớp, ghi chép bài đầy đủ, dành khoảng hai tiếng mỗi buổi tối để ôn lại bài. Kiến thức học tại trường cũ phần nào giúp Vũ dễ nắm bắt bài học hơn.

Để bố mẹ đỡ gánh nặng, Vũ nhận bưng bê ở quán ăn, đồng thời đặt mục tiêu giành học bổng để không phải lo học phí. Kết quả, năm thứ nhất Vũ đạt 3.97/4 điểm, được mức học bổng cao nhất của trường.

"Đó là động lực để mình phấn đấu tiếp", Vũ nhìn nhận.

Cùng thời điểm đó, Vũ xin thầy cô cho tham gia nghiên cứu khoa học. Với sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, Vũ dần hứng thú, nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến vật liệu, kết cấu nhịp cầu, đường sắt đô thị. Các đề tài Vũ tham gia sau đó đều đạt giải cấp trường, có nghiên cứu được gửi dự thi cấp Bộ.

anh-3-4560-1728101802.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LnUs-GhUEDg2VahTUMp_BQ

Vợ và các em chúc mừng Vũ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, hồi tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn Vũ nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Thị Cẩm Nhung, giảng viên bộ môn Cầu Hầm, đánh giá học trò thông minh, cẩn thận, chăm chỉ và cầu tiến.

Trải qua biến cố khi còn trẻ, Vũ đứng dậy làm lại từ đầu và thành công, theo cô Nhung, cho thấy nghị lực và quyết tâm cao của Vũ.

"Vũ không chỉ làm tốt chuyên môn, mà còn có khả năng tổ chức công việc, biết kết nối, hợp tác và hỗ trợ. Trong mọi hoạt động, Vũ luôn là người dẫn dắt, định hướng cho đội nhóm", cô Nhung nhận xét.

Vũ đã lập gia đình hồi đầu năm, ngay sau khi hoàn thành chương trình đại học và chuẩn bị đón con trai đầu lòng. Hiện, Vũ làm việc tại một công ty chuyên về thiết kế, kiểm định, giám sát thi công xây dựng công trình hầm, cầu, đường bộ. Anh cũng đang học thạc sĩ và ấp ủ giấc mơ du học bậc tiến sĩ.

"Mình thầm cảm ơn gia đình, đặc biệt là vợ, người đồng hành trong những lúc khó khăn nhất. Khi mình nói mong muốn du học tiến sĩ, vợ cũng rất ủng hộ, miễn là cả nhà được đi cùng nhau", Vũ nói.

Từng nuối tiếc vì sai lầm, phải bỏ ngành Công nghệ thông tin, Vũ giờ hài lòng về những gì đã làm được.

"Mình phải tiến lên thôi, không thể mãi nhìn lại quá khứ được", Vũ chia sẻ. "Nhưng câu chuyện trong quá khứ sẽ là bài học để mình dạy con sau này".

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022