Quyết định trên nằm trong văn bản được Bộ GD&ĐT ban hành mới đây. Theo đó, các thí sinh đăng ký dự thi chứng chỉ IELTS có thể thi lại một trong 4 bài thi: nghe, nói, đọc, viết nếu chưa hài lòng về kết quả. Đây là tính năng mới trong bài thi IELTS có tên gọi là One Skill Retake (OSR).
Tính năng này cho phép thí sinh làm lại một trong bốn kỹ năng trong lần thi đầu tiên, thay vì phải làm lại toàn bộ bài thi như trước. Dù chọn thi lại kỹ năng nào, lệ phí cũng đều như nhau.
Việt Nam cho phép tổ chức thi lại một trong bốn kỹ năng IELTS cho thí sinh. (Ảnh minh hoạ)
Thí sinh có thể đăng ký thi lại IELTS trong vòng 60 ngày sau khi đã nhận kết quả ở lần thi đầu tiên. Sau khi hoàn thành bài thi lại, thí sinh sẽ nhận được bảng điểm (Test result form) thứ hai với điểm số mới. Thời gian nhận bảng điểm mới này là từ 3 - 5 ngày, theo các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc khu vực IDP Việt Nam, Singapore cho biết, tính năng thi lại mang đến cho thí sinh thêm cơ hội, giúp các bạn đạt được mục tiêu học tập và định cư.
"IELTS OSR sẽ sớm được áp dụng với cả hai bài thi IELTS học thuật và IELTS tổng quát, mang đến cho các thí sinh ở Việt Nam lựa chọn mới linh hoạt hơn nhằm giúp các bạn chủ động hơn với kế hoạch ôn luyện IELTS", ông Sang nói.
Tính năng thi lại này ra mắt cuối năm 2022. Tính đến nay có hơn 60 quốc gia trên thế giới áp dụng tính năng này trong công tác khảo thí IELTS.
Bà Tâm Tình, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ PISA (đối tác chính của IDP) cũng cho biết, từ năm 2023, nhiều trung tâm tại Việt Nam đã nghiên cứu, làm việc tích cực để có thể triển khai IELTS OSR.
"Thông tin từ Bộ GD&ĐT khiến chúng tôi rất vui. Với tính năng mới này, nếu chưa đạt được kết quả như mong đợi, thí sinh có thể tập trung vào một kỹ năng duy nhất thay vì ôn tập và thi lại tất cả các kỹ năng. Việc thi lại sẽ giúp thí sinh đạt được kết quả tốt nhất phù hợp với khả năng", bà Tâm Tình nói.
Hiện ở Việt Nam, bài thi IELTS được Bộ GD&ĐT công nhận để xét miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Trong khi đó, nhiều trường đại học dùng để xét tuyển đầu vào, bằng cách quy đổi theo thang điểm riêng rồi kết hợp với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm thi đánh giá năng lực.