photo-1-1587906820238509835783.jpg

Anh Lê Tiến Đạt - Tiến sĩ ngành Quản trị doanh nghiệp tại trường Đại học Swinburne (Úc)

Anh Lê Tiến Đạt - Tiến sĩ ngành Quản trị Doanh nghiệp tại trường Đại học Swinburne (Úc) - hiện đang công tác tại Hà Nội đã có những sẻ chia rất chân thành về cuộc sống du học.

Theo lời anh Đạt, ngay sau khi nhận được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ tại Úc, anh không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn Đại học Swinburne (Úc). Bởi theo những gì anh được biết, đây là trường đại học danh tiếng nằm trong Top 400 trường đại học tốt nhất thế giới, Top 10 trường đại học hàng đầu Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Chưa kể, Swinburne là đơn vị tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Việt Nam từ những mùa đầu tiên.

"Nền giáo dục Úc thực sự rất chuyên nghiệp, người Úc thân thiện, cà phê Úc ngon, thế nhưng có những góc khuất của cuộc sống du học sinh thì chỉ trải qua rồi tôi mới thấm thía. Bởi thế, tôi hy vọng những câu chuyện sẻ chia của tôi sẽ giúp những bạn trẻ đang mong muốn trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế có sự chuẩn bị sẵn sàng, và đặc biệt có thêm những sự chọn lựa cho những dự định tương lai", anh Đạt mở đầu câu chuyện.

photo-1-15879068252181782243644.jpg

Trường đại học Swinburne - nơi anh Lê Tiến Đạt theo học là ngôi trường khá danh tiếng của Úc

"Cú sốc 6 tháng'' và 4 lý do khiến không ít người phải trở về nước khi còn dang dở…

Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày đầu tiên háo hức đặt chân tới Úc, đón tôi ở sân bay, Giáo sư vô cùng đáng kính của tôi - Giáo sư Christopher đã nói với tôi 1 điều mà khi ấy, tôi thực sự có đôi chút khó hiểu: "Nếu một nghiên cứu sinh Úc cố gắng 1, thì em phải cố gắng 10". Trải qua 4 năm du học, tôi mới thấm thía câu nói của người thầy, người cha, người sếp đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt thời gian ở Úc này. Đó là những nỗi nhọc nhằn vất vả, cả về tinh thần lẫn vật chất – những điều mà ít khi trung tâm tư vấn nói với bạn.

Bất kể du học sinh nào cũng đối diện với những cú sốc, mà dân du học chúng tôi hay gọi đùa là "cú sốc sau 6 tháng". Đầu tiên, đó là nhớ nhà. Sau những háo hức khám phá miền đất mới qua đi, thì cảm giác bơ vơ, lạc lõng, thèm được nghe tiếng người thân, thèm những món ăn quen... mới trỗi dậy. Những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về vật chất và tinh thần… thì chỉ một "mùi quê hương" thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi. Đặc biệt là dịp Tết, những người yếu lòng không tránh khỏi những lúc rơi nước mắt vì nhớ nhà.

photo-2-1587906825223396180166.jpg

Theo anh Đạt, nỗi nhớ nhà và áp lực từ việc học là những khó khăn mà mỗi du học sinh đều phải trải qua

Sau nỗi nhớ xa nhà ấy, bạn phải đương đầu với áp lực học hành khủng khiếp. Nhiều người nghĩ, việc học ở nước ngoài sẽ bớt căng thẳng hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: Để học tốt bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tôi có những giai đoạn triền miên chỉ được ngủ 2 tiếng/ngày, thậm chí, học đến phát ốm là có thật.

Còn một khó khăn nữa mà tôi nghĩ mọi du học sinh phải đối mặt và quản lý tốt, đó là câu chuyện vật chất, tiền bạc. Dù có học bổng toàn phần, có lương khi làm trợ lý cho giáo sư nhưng có những lúc tôi vẫn gặp cảnh "dở khóc dở cười" vì thiếu thốn. Mà đi du học thì hầu như cậu trai, cô gái nào cũng mang cho mình tính tự lập, vì thế, việc vay mượn tiền với chúng tôi là điều "cấm kỵ". Chưa kể, ai cũng phải chuẩn bị cho mình tâm lý "quản trị rủi ro" thật tốt vì một mình nơi xứ người, có "biến" xảy ra thì phải có một khoản dự trù.

Cũng bởi áp lực ấy mà nhiều du học sinh phải đi hái nấm, làm ở trang trại cực nhọc vất vả. Có bạn bị tai nạn lao động gãy chân, gãy tay. Rồi có những bạn ham kiếm tiền mà lơ là, dang dở việc học. Có bạn thì không kiểm soát được bản thân, sa đà vào cuộc sống buông thả...

photo-3-15879068252391723530101.jpg

Sự khác biệt về văn hóa cũng là điều mà người trẻ cần chuẩn bị khi trở thành du học sinh

Sự khác biệt về lối sống, văn hóa cũng là một trong những khó khăn mà bạn không thể tránh khỏi bên xứ người. Những năm tháng đầu tiên mới sang, việc phải đối mặt với những cú sốc văn hóa từ sự khác biệt về lối sống cũng là một điều mà người trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt. Ngôn ngữ chưa quá "chuẩn Úc" có thể làm mình chút ngại ngùng khi "chém gió", cách nhìn cuộc sống từ "500 anh em mình là một gia đình" khi ở nhà sẽ khác với phong cách "không xen vào chuyện cá nhân và hạn chế chia sẻ tâm tư" khi ở xứ người.

Sau những áp lực ấy, có người không vượt qua nổi dẫn tới stress, trầm cảm, thậm chí trở về nước khi mà mọi thứ còn đang dang dở. Nhưng nếu vững vàng vượt qua, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh trong giai đoạn này có nghĩa là bạn đã đặt 1 chân tới đích rồi.

photo-4-1587906825243125558083.jpg

4 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, anh Đạt kỳ vọng rất lớn vào thế hệ sinh viên kế cận

photo-5-1587906825248953699817.jpg
image012-15879072028391878225637.jpg

Theo anh Đạt, sinh viên hiện nay rất tuyệt vời. Đặc biệt tại nhiều trường quốc tế, các bạn năng động, tiếng Anh giỏi và đặc biệt giao tiếp xã hội rất tốt

Có nên đi du học nước ngoài không? Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Như đại dịch covid-19 vừa qua, có du học sinh chọn cách ở lại, trong khi đó, rất nhiều du học sinh và cả gia đình chọn cách trở về Việt Nam để phòng và chữa bệnh. Điều đó cũng giống như việc bạn lựa chọn: Du học nước ngoài hay học tại Việt Nam vậy.

Với kinh nghiệm của 1 du học sinh, tôi cho rằng, nếu bạn thích trải nghiệm một môi trường hoàn toàn mới, ham thích khám phá bản thân... thì cứ mạnh dạn bước ra thế giới. Nhưng hãy nhớ chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm môi trường giáo dục nước ngoài mà không phải trải qua "cú sốc 6 tháng", thì học tại các trường đại học quốc tế tại Việt Nam là một sự lựa chọn an toàn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022