PGS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, VNSC và Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tìm cách triển khai, dạy sinh viên tự chế tạo vệ tinh siêu nhỏ thay vì chỉ học các môn lý thuyết. Đây cũng là phương pháp nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Bước đi này cũng là để chuẩn bị nguồn nhân lực dài hạn cho ngành thay vì chỉ vài chục cán bộ lớp U 30, U 40 hiện có.

"Đây là nhóm cán bộ nòng cốt được cử đi đào tạo tại Nhật Bản hiện đã làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh, có thể hướng dẫn cho các sinh viên trong nước tiếp cận công nghệ này", PGS Tuấn nói và cho biết các cán bộ của VNSC về nước đang đi dạy ở Đại học Công nghệ, Việt - Pháp và Đại học quốc tế TPHCM... nhưng mới chỉ dừng ở các môn lý thuyết. 

tin-hieu-dau-tien-gui-ve-tu-ve-tinh-made-by-vietnam-1547862803_500x300.jpg
Tín hiệu đầu tiên gửi về từ vệ tinh 'made by Vietnam'

Mô phỏng vệ tinh tách khỏi tên lửa và làm nhiệm vụ trong không gian. Video: JAXA.

Với công nghệ vệ tinh, phải bắt tay làm thật, kết hợp nhiều chuyên ngành cùng nhau. Như sản phẩm vệ tinh MicroDragon (50 kg) vừa phóng lên quỹ đạo thành công là sự kết hợp của 5 trường đại học ở Nhật Bản với 36 kỹ sư của Việt Nam được chia theo nhiêu chuyên ngành. Chính việc kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành nên chỉ trong 5 năm (từ 2013), các kỹ sư của Việt Nam từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.

Bên cạnh đó cũng cần một chiến lược dài hơi, vì một con vệ tinh từ khi có ý tưởng đến chế tạo, vận hành và đưa lên quỹ đạo mất rất nhiều thời gian và sự tham gia của nhiều đơn vị. Có thể nhìn từ vệ tinh siêu nhỏ như NanoDragon, là vệ tinh thuộc lớp nano (khối lượng 4 - 6 kg) ở Việt Nam, từ lúc lên ý tưởng đến khi được phê duyệt, thiết kế, chế tạo thử nghiệm và phóng lên vũ trụ mất gần chục năm. Nếu xây dựng chiến lược 10 - 20 năm, có khi chỉ kịp làm một, hai vệ tinh là kết thúc, khó thúc đẩy ngành công nghệ vũ trụ phát triển.

Lap-rap-ve-tinh-4079-1550472721.jpg

Kỹ sư của Việt Nam lắp ráp vệ tinh MicroDragon trọng lượng 50 kg. Ảnh: VNSC.

Việt Nam mới có chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020, tiếp sau đó lộ trình phát triển như thế nào cũng chưa rõ. Điều này khiến những cán bộ được đào tạo bài bản ở Nhật Bản, đã làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh cũng lo lắng về tương lai phát triển và việc thu hút sinh viên mới cho ngành cũng khó khăn. Ở những quốc gia có công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nhật Bản, chiến lược phát triển vũ trụ được đặt cho từng giai đoạn nhất định và có kế hoạch cả về nhân lực, kinh phí... thường là tầm nhìn 30 năm.

PGS Phạm Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược từ năm 2021 - 2040 tầm nhìn 2050 để mọi công việc chuẩn bị đi theo lộ trình rõ ràng. Nếu không, sẽ khó để nói tạo đột phá cho ngành công nghệ vũ trụ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022