Đây là lần đầu tiên trường mang chuỗi hội thảo chuyển đổi số đến Hà Nội sau khi ra mắt ở TP HCM. Chương trình có sự tham gia của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Bách khoa Thái Nguyên, Viện Công nghệ châu Á...
Chương trình gồm ba hội thảo và lễ tổng kết, mang đến cho người tham gia cơ hội giao lưu với các chuyên gia RMIT và phát triển kỹ năng, kiến thức sử dụng những thành tựu đổi mới kỹ thuật số trong học tập, giảng dạy. Các bài giảng, phiên học tập tương tác và hoạt động thực hành tại chuỗi hội thảo cung cấp hiểu biết toàn diện về vai trò của đổi mới kỹ thuật số trong nâng cao chất lượng bài học, tăng cường sự tham gia của người học và năng lực nói chung trong ngành giáo dục đại học.
Người tham dự chuỗi hội thảo trải nghiệm các công cụ giáo dục mới. Ảnh: RMIT Việt Nam
Bên cạnh đó, người tham dự có thể tìm hiểu những lĩnh vực mới nổi như ứng dụng AI tạo sinh, đánh giá từ hoạt động thực tế trong học tập đa hình thức, đổi mới về sư phạm trong đào tạo nội bộ. Các phiên thảo luận và hoạt động nhóm cho phép người làm công tác giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thành công và những thách thức, rào cản.
PGS. Seng Kiat Kok - Giám đốc phụ trách sinh viên RMIT Việt Nam cho biết, đây là cơ hội để tập hợp, gắn kết các chuyên gia có cùng chí hướng, thảo luận về những công nghệ tiên tiến, chiến lược học tập kỹ thuật số có khả năng cải tiến ngành giáo dục cho cả người dạy và người học. "Hành trình chắc chắn chưa dừng lại ở sự kiện này. Đây mới là điểm khởi đầu", ông nói thêm.
Đồng thời, ông nhấn mạnh đối thoại và chia sẻ các thông lệ tốt là điều rất quan trọng để thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự xuất sắc trong học thuật.
PGS. Seng Kiat Kok (ngoài cùng bên trái) và người tham dự hội thảo. Ảnh: RMIT Việt Nam
Ngoài những phiên thảo luận về các khái niệm lý thuyết, học viên có thể xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cụ thể cho tổ chức bằng cách sử dụng công cụ và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Tại đây, từng đơn vị tham gia chia sẻ cách tiếp cận của riêng mình đối với quá trình chuyển đổi số, góp phần tạo nên cơ sở kiến thức đa dạng, phục vụ lợi ích của toàn ngành giáo dục.
Cô Đoàn Thị Thu Phương - giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ việc tham gia chuỗi hội thảo này giúp cô trau dồi nhiều thông tin và kiến thức về lĩnh vực sư phạm, công nghệ. Cô học hỏi với nhiều góc nhìn đa dạng của đồng nghiệp từ những tổ chức giáo dục khác.
Ông Đào Mạnh Tuân - Viện Công nghệ châu Á cho biết, chuỗi hoạt động này mang lại lợi ích cho cán bộ giảng viên đại học, những người làm công tác giáo dục và cả sinh viên và các thế hệ tiếp theo.
Người tham dự chuỗi hội thảo nhận chứng nhận hoàn thành chương trình tại buổi lễ tổng kết. Ảnh: RMIT Việt Nam
Chuỗi hội thảo nằm trong khuôn khổ sáng kiến Cộng đồng thực hành giáo dục đại học trong kỷ nguyên số của RMIT, thể hiện vai trò của trường trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và cam kết củng cố mạng lưới học thuật giữa Việt Nam - Australia.
Trong những năm qua, sáng kiến này tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu thay đổi của ngành giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời, tập trung vào các giải pháp chuyển đổi số mang tính thực tế, khả thi.
GS. Sherman Young - Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Giáo dục) kiêm Phó giám đốc Đại học RMIT chia sẻ thêm, chuỗi hội thảo tại Hà Nội phản ánh cam kết liên tục của đơn vị đối với việc thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam. "Bằng cách chia sẻ chuyên môn và tạo ra không gian trao đổi kiến thức, chúng tôi đang nỗ lực đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của giáo dục đại học trên cả nước", ông khẳng định.
Nhật Lệ