Góp ý dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chiều 26/4, phó phòng giáo dục một quận tại TP HCM cho rằng, việc áp dụng chương trình này từ năm 2018 sẽ không khả thi. Các giáo viên đang băn khoăn về sách giáo khoa theo chương trình mới chưa có, trong khi thời điểm dự kiến áp dụng quá gần.

"Bộ sách giáo khoa của riêng thành phố có được Bộ Giáo dục chấp thuận không? Nếu được thì thành phố phải làm sớm để chúng tôi nghiên cứu trước. Không thể đến lúc bắt tay vào chương trình, mới được cầm sách và vừa dạy vừa xem", ông nói.

Theo ông, trường hợp ngành giáo dục chưa chuẩn bị được sách giáo khoa thì phải dời thời điểm áp dụng đại trà, nếu không muốn lặp lại lịch sử phá sản của chương trình phân ban trước đây. "Và cuối cùng, người được dùng làm vật tế thần lại chính là học sinh", ông nói.

Ngoài ra, ông băn khoăn về thời lượng giáo dục ở cấp tiểu học khi dự thảo quy định mỗi tiết học cho lớp 1 và 2 là 30-35 phút, các lớp còn lại 35-40 phút, giữa tiết có giờ giải lao... sẽ khó khăn cho việc đánh trống báo hiệu hết giờ. Ông đề nghị nên cho tối đa thời gian có thể để giáo viên hướng dẫn học sinh.

du-thao-giao-duc-8294-1493217678.jpg

Lãnh đạo các phòng giáo dục và trường THPT tại TP HCM trao đổi bên lề cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Mạnh Tùng.

Còn ông Huỳnh Tấn Thanh (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An) cho biết, nhiều giáo viên đang "tỏ ra lơ mơ" trước dự thảo chương trình vì cho khó thực hiện từ năm sau.

Ông lo không có giáo viên để dạy một số môn học mới - chẳng hạn nghệ thuật - vì "ngay cả diễn viên, nghệ sĩ đi dạy cũng phải có kỹ năng sư phạm". Với môn trải nghiệm sáng tạo, ông cũng lo về nhân sự vì không thể đưa giáo viên môn khác sang dạy.

Nhìn tổng thể dự thảo, ông Thanh nhận định chương trình mới chưa có sự giảm tải. Như, từ lớp 1 đến 3, mỗi năm học sinh phải theo đến hơn 1.000 tiết. "Nếu làm gấp quá sẽ không đạt được mục đích tốt ban đầu như dự thảo đặt ra. Phải có lộ trình cụ thể, có thí điểm từng khối lớp, môn học", ông đề nghị.

Trong khi đó, bà Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh) khẳng định, muốn chương trình mới áp dụng thành công phải đặt vị trí giáo viên lên hàng ưu tiên, ngành giáo dục phải trang bị cho họ nhiều kỹ năng, kiến thức mới. Bà Tâm cũng đề nghị sớm đưa ra sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình, đồng thời xem xét lại cách đánh giá học sinh.

Một số lãnh đạo phòng giáo dục quận - huyện và các trường THPT cũng mong muốn Bộ Giáo dục xem lại thời điểm áp dụng đại trà chương trình mới này.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, thành phố không có chủ trương làm bộ sách giáo khoa riêng biệt. Trước đây, Bộ Giáo dục cho phép Sở phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục soạn thảo một bộ sách giáo khoa nhưng hiện vẫn chờ chương trình chi tiết để làm.

Hôm 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Điểm mới của là chia giáo dục thành 2 giai đoạn cơ bản (Tiểu học, THCS) và hướng nghiệp (THPT). Chương trình xuất hiện nhiều môn học mới, phân rõ môn bắt buộc và tự chọn; các trường sắp xếp thời gian học từng môn.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông

Mạnh Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022