Ngày 19/3, ông Phan Tân Quang, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết đã làm việc với các học sinh, phụ huynh về sự việc và chờ kết quả từ công an để có hướng xử lý, răn đe từng em vi phạm.

"Tâm lý nữ sinh bị đánh đã ổn định và trở lại trường từ hôm qua", thầy Quang cho biết.

Trước đó, hôm 12/3, sau giờ học, một nhóm nữ sinh hẹn nhau ra bãi đất trống cách trường khoảng 3 km để giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội. Một nữ sinh bị 4 bạn (trong đó, hai em cùng lớp) xông vào nắm tóc, tát, đá vào vùng đầu.

Nạn nhân bị tấn công dồn dập, quỵ xuống nền đất. Nhiều bạn học đứng cạnh reo hò, cổ vũ, nói tục và dùng điện thoại quay lại. Đoạn video nữ sinh bị đánh dài hơn 4 phút sau đó lan truyền trên mạng. Gia đình phát hiện liền đưa nữ sinh vào bệnh viện khám và trình báo cơ quan chức năng.

"Em bị tổn thương ở vùng đầu, ngoài da xây xát, bầm tím", anh Nguyễn Lê Trung Hoàng, anh trai của nữ sinh bị đánh, nói, cho biết sau vụ việc, em gái rất sợ hãi, phải nghỉ học một tuần.

Screenshot-2024-03-19-at-12-01-6568-6868-1710824554.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xR8K201u_PzxmwGp0Kjgtg

Nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng. Ảnh: Cắt từ video

Bạo lực học đường là vấn đề tồn tại của ngành giáo dục, theo các báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy định, việc kỷ luật học sinh vi phạm gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.

Trong các vụ việc được biết đến, hình phạt phổ biến với học sinh đánh bạn là hạ hạnh kiểm, đình chỉ học 1-2 tuần. Một số ít trường như THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP HCM phạt đọc sách hay THCS Buôn Trấp, Đăk Lăk hạ hạnh kiểm và phạt lao động với các học sinh đánh bạn.

Trần Hóa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022