Sớm 27/8, nhận được tin nhắn của bạn bè "ôi 29 điểm cơ à? Thế thủ khoa chưa?", Khanh vẫn nghĩ mình không phải cao điểm nhất cả nước ở khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh). Sau khi chia sẻ điểm với bố mẹ, bạn bè, nữ sinh thoải mái chìm vào giấc ngủ.
Cho đến trưa cùng ngày, khi nhìn số liệu thống kê, số báo danh của mình trùng khớp với thủ khoa khối D01, Khanh mới dám tin "mình thực sự có điểm cao nhất cả nước". "Cảm giác lúc đó lâng lâng, sung sướng", nữ sinh nhớ lại.
Là học sinh hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sau đó trúng tuyển vào lớp chuyên tiếng Anh của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Khanh quen với môi trường học tập áp lực, cường độ cao ngay từ nhỏ.
Ngoài việc dành thời gian học môn chuyên, nữ sinh tự đánh giá khá nhạy bén với các con số, tiếp thu nhanh nên dành niềm yêu thích cho cả Toán. Được gặp những giáo viên dạy Văn "có tâm và có tầm, quan tâm và đốc thúc học trò", Khanh cũng bắt nhịp tốt với môn học này.
Ngọc Khanh trong buổi chụp kỷ yếu cuối năm lớp 12. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời gian đầu khi học THPT, nữ sinh tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tại trường. Đến khi bước vào năm lớp 12, em mới xây dựng kế hoạch học tập, ôn thi một cách bài bản, khoa học. Mỗi tuần, em học một buổi Toán, hai buổi Văn và tự học tiếng Anh ở nhà.
Đầu tháng 10 năm ngoái, do gặp tai nạn giao thông, Khanh bị rạn xương đùi, phải nghỉ học một tháng. Trong thời gian này, giáo viên Ngữ văn dạy tác phẩm Đất Nước, cũng là tác phẩm trong phần nghị luận văn học của đề thi tốt nghiệp THPT. Để không bỏ lỡ kiến thức, Khanh mượn vở ghi chép của bạn và tự học ở nhà. Sau khi phục hổi, em quyết định nghỉ học thêm Toán, chỉ học hai buổi Văn trong tuần cho đến khi kết thúc năm học.
Hết học kỳ I, Khanh đã học xong chương trình Toán cả năm và tập trung luyện đề trong suốt kỳ II. Mỗi ngày em làm một đề Toán vào khoảng 12h-14h để giống với thời điểm làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với môn Văn, nữ sinh đặt mục tiêu nắm chắc kiến thức cơ bản về tác giả, nội dung chính tác phẩm, dành một tháng cuối để học kiến thức nâng cao. Hai tuần trước khi thi, em học Văn vào buổi sáng để ghi nhớ kiến thức tốt hơn, còn trước thường học vào 9-12h tối.
Do được học chuyên tiếng Anh, môn tự tin nhất nên Khanh dành ít thời gian ôn luyện. Nữ sinh chia sẻ không có chiến lược học tiếng Anh vì kết quả có được là nhờ thời gian dài tích lũy. "Em chủ yếu luyện đề để không quên dạng bài, tuy nhiên cường độ ít hơn hai môn kia", Khanh nói. Kết thúc năm lớp 12, em đạt 10 Toán, 8,8 Văn và 9,4 tiếng Anh.
Nhận tin trúng tuyển ngành Kế toán - Kiểm toán theo định hướng ACCA của Đại học Ngoại thương từ cuối tháng 7, Khanh vẫn giữ nhịp độ ôn tập như cũ. "Em nghĩ mình đã bỏ công sức học cả năm rồi, không lý gì một tháng cuối lại chểnh mảng. Thêm nữa, nếu đạt thành tích cao, em sẽ khép lại quãng đời học sinh một cách trọn vẹn nhất. Dù sao học kiến thức cũng tốt cho mình", Khanh giải thích.
Trong ngày thi môn Ngữ văn, Khanh không bất ngờ khi thấy bài Đất Nước. Em đánh giá đây là tác phẩm trọng tâm trong chương trình, học sinh nào cũng được thầy cô nhắc nhở chú ý. Nữ sinh tuân thủ đúng chiến lược làm bài lúc luyện tập, dành 20 phút đọc hiểu, 20 phút nghị luận xã hội, còn lại dồn lực cho nghị luận văn học, viết được gần 12 mặt giấy thi.
Cảm thấy bài làm tương đối tốt, tuy nhiên nữ sinh chỉ dự tính được 8-8,5 điểm. "Đạt 9 điểm quả thật em chưa nghĩ đến chứ đừng nói thủ khoa", Khanh cười nói.
Với bài thi Toán, nữ sinh chỉ làm được 48/50 câu, hai câu cuối em làm nửa chừng và đoán đáp án, may mắn chính xác. Riêng tiếng Anh, với việc nắm chắc kiến thức và học chuyên sâu nhiều năm, nữ sinh dễ dàng "ẵm" điểm 10.
Tuy trở thành thủ khoa khối D01 toàn quốc, cô gái sinh năm 2002 dự định vẫn nhập học theo kết quả học bạ đã trúng tuyển, không nộp điểm thi tốt nghiệp THPT để "nhường cơ hội cho các bạn khác".
Ba ngày nữa, Khanh sẽ đón sinh nhật tuổi 18. Em dự định về quê, chia vui kết quả thi tốt nghiệp THPT với ông bà, sau đó lên kế hoạch học thêm tiếng Hàn, thi bằng lái xe máy và hoàn thiện thủ tục nhập học. "Trở thành thủ khoa khối D01 cả nước là kỷ niệm đẹp, khép lại quãng đời học sinh của em. Mong rằng khi vào đại học, em có thể tận dụng lợi thế này để thực hiện các dự định cá nhân", Khanh nói
Thanh Hằng