Có gần hai triệu trẻ em tại Anh được ăn trưa miễn phí.
Theo báo cáo từ các hiệu trưởng trên khắp nước Anh, nhiều trẻ em tại quốc gia này đang rơi vào tình trạng đói đến mức phải ăn cao su hoặc trốn trong sân chơi vì không đủ tiền ăn trưa.
Các hiệu trưởng nói rằng, chính phủ đang không chú trọng vào hỗ trợ trường học vì phải đối phó với một cuộc khủng hoảng khác ngày một lớn.
Hộp cơm… trống
Một cuộc khảo sát về tình trạng nghèo đói ở các trường học, được công bố bởi Chefs in Schools - tổ chức từ thiện ăn uống đào tạo đầu bếp cho trường học cho thấy, nhiều trường học ở Anh chứng kiến sự gia tăng “đau lòng” về số lượng trẻ em đói. Trong khi đó, trước khi mùa đông đến, các hóa đơn khiến nhiều gia đình phải lựa chọn giữa việc bật hệ thống sưởi và mua thức ăn.
Một trường học ở Lewisham, phía Đông Nam London, đã chia sẻ với tổ chức từ thiện về trường hợp trẻ “giả vờ ăn hết hộp cơm trống”. Bởi, học sinh này không đủ điều kiện nhận các bữa ăn miễn phí ở trường, nhưng không muốn bạn bè biết là mình bị đói.
Các nhóm viện trợ lương thực cộng đồng cũng cho biết đang phải vật lộn để đối phó với nhu cầu mới từ các gia đình không thể trang trải chi phí mua thực phẩm cho trẻ. Bà Naomi Duncan - Giám đốc điều hành của Chefs in Schools cho biết: “Chúng tôi đã nghe về việc những đứa trẻ đói đến mức chúng phải ăn cao su trong trường học. Những đứa trẻ đến trường và vẫn chưa ăn gì kể từ bữa trưa ngày hôm trước. Chính phủ phải làm điều gì đó”.
Ở Anh, tất cả trẻ em từ 4 đến 7 tuổi và học sinh lớn hơn đến từ gia đình khó khăn được hưởng bữa ăn miễn phí tại trường. Tuy nhiên, chỉ những trẻ em có cha mẹ kiếm được ít hơn 7.400 bảng Anh (~8.300 USD) một năm mới đủ điều kiện hưởng bữa ăn miễn phí tại trường.
Trong khi đó, theo nhóm Child Poverty Action Group, có 800.000 trẻ em sống trong cảnh nghèo đói đang bị bỏ qua. Nhiều trường học mà giám đốc Duncan làm từ thiện đang sử dụng lượng lớn ngân sách vào việc hỗ trợ những trẻ em không đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí ở trường.
“Thật là đau lòng cho các đầu bếp của chúng tôi. Họ đang tích cực ra ngoài và tìm những đứa trẻ phải trốn trong sân chơi vì không có đồ ăn”, bà Duncan chia sẻ.
Cũng theo bà Duncan, cuộc khảo sát cho thấy, nhiều giáo viên đang mua lò nướng bánh để có thể nấu bữa sáng cho những học sinh bị đói. Một trường học ở Streatham, Nam London, có quỹ hỗ trợ khó khăn, từng giúp 50 trẻ em. Tuy nhiên, số trẻ em được nhà trường hỗ trợ bữa ăn hiện đã lên đến 100.
Ông Paul Gosling - Chủ tịch công đoàn giáo viên National Association of Headteachers, cho biết: “Chính phủ biết rằng, khi trẻ em thức dậy vào buổi sáng đói và lạnh, các trường học sẽ can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, điều đó là không hợp lý khi chúng tôi không được hỗ trợ thêm”.
Ông Gosling nói rằng, với các hóa đơn năng lượng khổng lồ và quyết định tăng lương cho giáo viên, việc hỗ trợ những gia đình khó khăn sẽ đẩy hàng trăm trường học vào tình trạng thâm hụt tài chính.
Các hiệu trưởng tại Anh đã bày tỏ hoan nghênh thông báo của chính phủ rằng, điện và khí đốt trong trường học sẽ được giới hạn ở mức thấp hơn “giá do chính phủ hỗ trợ”.
Tuy nhiên, họ vẫn bày tỏ sự lo lắng rằng, sự hỗ trợ này chỉ được cung cấp trong sáu tháng. Thậm chí, nhiều trường lo ngại sẽ phải chi trả hàng loạt hóa đơn với mức phí cao hơn nhiều so với ngân sách đã dự trù.
Nhiều gia đình Anh đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Các tổ chức không thể đáp ứng
Ông Will Teece - Hiệu trưởng tại Brookvale Groby Learning Campus, một trường trung học ở Leicester, cho biết phụ huynh đã liên hệ và hỏi liệu trường có cung cấp câu lạc bộ ăn sáng miễn phí hay bữa ăn sau giờ học không.
“Vào thời điểm mà nhu cầu hỗ trợ cho các gia đình lớn hơn nhiều, chúng tôi đang đứng ở một vị trí khó để có thể giúp đỡ”, ông Teece bày tỏ.
Oxford Mutual Aid - một nhóm cộng đồng chuyên cung cấp thực phẩm khẩn cấp, đã phải cắt giảm ngày giao hàng vì hàng trăm người đóng gói, tài xế và tổ chức tình nguyện của họ không thể đáp ứng hết các yêu cầu giúp đỡ.
Điều phối viên Muireann Meehan Speed chia sẻ: “Chúng tôi đang đấu tranh để theo kịp nhu cầu. Mỗi ngày tôi đều chứng kiến sự đau khổ của mọi người. Mỗi ngày, tôi đều nói chuyện với những gia đình đang sợ hãi không biết quay đầu về đâu. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm nhiều hơn những gì ở hiện tại”.
Nhóm hiện nhận được kêu gọi giúp đỡ hằng ngày từ những người dân địa phương - những người từng chưa bao giờ thiếu chi phí để mua thực phẩm.
Trong khi đó, ông Craig Johnson - người sáng lập Launch Foods, một tổ chức từ thiện ở Glasgow cung cấp bữa trưa miễn phí cho 300 học sinh mỗi ngày, cho biết: “Mọi người đang nói về một cuộc khủng hoảng đang đến gần. Đã có một cuộc khủng hoảng xảy ra”.
Tổ chức từ thiện này đã đưa những chiếc xe tải màu bạc đến các trường tiểu học và hỗ trợ mọi người bằng cách sử dụng thực phẩm dư thừa. Tuy nhiên, hiện tại, tổ chức đã phải gỡ số điện thoại khỏi trang web vì nhận được quá nhiều cuộc gọi mỗi ngày từ người dân ở nhiều nơi, bao gồm: Newcastle, Liverpool và London.
Hầu hết người dân bày tỏ hy vọng được hỗ trợ thực phẩm cho con em họ. “Tôi đang rất thất vọng khi phải nói với mọi người rằng, chúng tôi không thể giúp họ. Không nên để một đứa trẻ ở Anh, xứ Wales, Scotland hay Ireland bị đói. Điều đó là khó có thể chấp nhận”, ông Johnson nói.
Bà Michelle Dornelly - người sáng lập Children with Voices, một tổ chức từ thiện đang nuôi sống các gia đình trên ba khu đất ở Hackney, phía Đông London, cho biết đang phải vật lộn để đối phó với “một mức độ nhu cầu khác”.
Trong bối cảnh trẻ em thường xuyên phải đi ngủ với cái bụng đói, bà Dornelly quan ngại rằng, mức độ lo lắng của trẻ cũng ngày càng tăng. “Tôi lo lắng về việc trẻ em đến trường không có bút, hay bàn chải đánh răng.
Tất cả những gì liên quan đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ thực sự đang bị ảnh hưởng”, bà Dornelly chia sẻ. Tuy nhiên, tổ chức từ thiện của bà hiện không có đủ lượng thực phẩm dự trữ hoặc tủ đông. “Tôi yêu những gì tôi làm. Song, tôi cảm thấy tức giận vì chúng tôi phải làm điều này mà không có sự giúp đỡ từ chính phủ”, bà Dornelly bày tỏ.
Thách thức lớn nhất
Hơn 2.000 trường học Anh hiện đăng ký chương trình bữa sáng học đường quốc gia.
Tại Anh, có gần hai triệu trẻ em được ăn trưa miễn phí và khoảng 2.000 trường học đăng ký chương trình bữa sáng học đường quốc gia. Tuy nhiên, nạn đói ở trẻ em đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Thời điểm đó, nhiều trẻ em đã rơi vào tình trạng đói khi không thể đến trường do Covid-19. Tình trạng đói nghèo ở trẻ em đang ngày một tăng. Năm 2018, có 4,1 triệu trẻ em tại Anh rơi vào tình trạng đói nghèo. Con số này đã tăng lên 4,3 triệu trong năm nay.
Một báo cáo của Childhood Trust vào tháng 12 năm ngoái dự đoán, gần 1/3 tổng số trẻ em tại Anh sẽ bị đói vào mùa đông năm đó. Song, tình hình năm nay thậm chí tồi tệ hơn nhiều. Các hiệu trưởng cho biết, tình trạng đói ở trẻ là “thách thức lớn nhất” mà các trường phải đối mặt.
Một bà mẹ đơn thân ở vùng Tyne and Wear cho biết, hai con trai của cô không đủ điều kiện ăn miễn phí ở trường tiểu học. Bởi, cô kiếm được 728 bảng Anh (~821 USD) một tháng khi làm việc bán thời gian trong lĩnh vực quản lý giáo dục.
“Chúng tôi đã có sẵn bình giữ nhiệt và bộ đồ ngủ bằng lông cừu để không phải dùng máy sưởi vào mùa đông. Những đứa trẻ được học bơi miễn phí. Chúng tôi coi đó là ngày gội đầu, để trẻ không phải tắm ở nhà”.
Nạn đói ở trẻ em xảy ra một phần do cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt. Trong bối cảnh này, hàng loạt trẻ em tại Anh cũng nhiễm và tái nhiễm Covid-19, do trường học là nguồn lây truyền chính.
Giờ đây, các trường đang phải tính đến việc rút ngắn tuần học vì không đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Sức khỏe tinh thần và thể chất của hàng trăm nghìn trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực của đói, nghèo và các bệnh nhiễm trùng.
Trong khi đó, các giáo viên phải đảm nhận cả công việc của những nhân viên xã hội. Tình trạng này khiến giáo dục bị gián đoạn. Đặc biệt, khi mùa đông sắp đến, số ca mắc Covid-19 được dự đoán sẽ tăng mạnh. Bởi, do trời lạnh, các trường học sẽ không thể thực hiện biện pháp thông gió như mở cửa sổ.
Nghiêm trọng nhất, làn sóng đình công tại Anh ngày càng tăng, trong bối cảnh lạm phát nghiêm trọng. Tình trạng này khiến hàng triệu gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Theo The Guardian