Chiều 25/9, Vũ Nguyên Sơn, lớp 12 chuyên Nga, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, cùng gia đình theo dõi trận quý IV, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, mà em là một trong bốn thí sinh tham dự. Dù đã trải qua buổi ghi hình trực tiếp, khi xem lại trận đấu với màn rượt đuổi sát sao, phải phân thắng bại bằng câu hỏi phụ, Nguyên Sơn vẫn có nhiều cung bậc cảm xúc, vui sướng khi được xướng tên là thí sinh giành tấm vé cuối cùng vào trận chung kết năm, diễn ra vào 2/10.
Vũ Nguyên Sơn, thí sinh về nhất trong cuộc thi quý IV, Đường lên đỉnh Olympia, và góp mặt trong trận chung kết. Ảnh: Thanh Hằng
Nguyên Sơn bắt đầu xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ khi còn là học sinh tiểu học, rồi tham gia cộng đồng ôn thi Olympia năm lớp 7. Theo thể lệ chương trình năm 2022, mỗi trường THPT chỉ được giới thiệu một học sinh, thí sinh phải đạt học sinh giỏi lớp 10 và kỳ I lớp 11, hạnh kiểm tốt. Do đó, Sơn phải vượt qua vòng loại cấp trường gồm thi kiến thức và phỏng vấn.
Nhận định "các bạn đều rất giỏi", nên Nguyên Sơn không kỳ vọng quá lớn. Dù vậy, sự tự tin cùng thế mạnh kiến thức trải rộng ở các lĩnh vực đã giúp chàng trai sinh năm 2005 vượt qua nhiều bạn học, trở thành học sinh duy nhất của trường Ams tham dự Olympia 2022.
Sơn nộp hồ sơ vào tháng 4/2022 khi chương trình đã trải qua hai phần ba chặng đường. Lần lượt thấy các bạn nhận được giấy mời dự thi vòng tuần, nam sinh sốt ruột khi không thấy tên mình. Phải đến tận đợt ghi hình gần cuối, Sơn mới được gọi. "Em thở phào, nhẹ cả người", Sơn nhớ lại cảm giác nhận được giấy mời của chương trình.
Không đặt mục tiêu dài hạn, Nguyên Sơn xác định mỗi trận đấu đều quan trọng nên luôn cố gắng hết mình. Trải qua cuộc thi tuần, tháng, quý, em gây ấn tượng với vốn kiến thức xã hội, ngoại ngữ nổi bật. Vượt chướng ngại vật - phần thi mà không nhiều thí sinh đưa ra đáp án đúng chỉ với một dữ kiện gợi ý, nhưng Nguyên Sơn hai lần giành được mức cao nhất 80 điểm, tạo cách biệt lớn với các bạn chơi.
Nam sinh cho biết đã nghiên cứu kỹ luật chơi, thấy rằng vòng Vượt chướng ngại vật chỉ có bước ngoặt khi có một thí sinh trả lời đúng từ khoá sau 1-2 gợi ý, giành 80 hoặc 60 điểm. Còn nếu trả lời đúng khi 3-4 gợi ý được mở, mức điểm giành được là 40 và 20. Do đó, khi có một vài suy luận trong đầu, Sơn thường chọn bấm chuông trả lời, nhằm tạo lợi thế điểm số với các thí sinh còn lại. "Nếu trả lời sai, em có thể khắc phục ở vòng thi Tăng tốc", Sơn nói.
Với Sơn, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong hành trình tại Đường lên đỉnh Olympia là khi giành chiến thắng trong câu hỏi phụ tại trận thi quý IV. Sau câu hỏi đường dây điện 500kV đi qua những thành phố trực thuộc trung ương nào, Quốc Khánh - đối thủ cạnh tranh tấm vé vào chung kết của Sơn, đã bấm chuông trả lời ngay nhưng đáp án không chính xác. Trong vài giây, Nguyên Sơn cân nhắc và cho rằng đường dây điện 500kV chạy từ Hòa Bình, nếu đi qua Hà Nội sẽ phải chạy ngang, điều này không hợp lý nên chỉ đưa ra đáp án là "Đà Nẵng, TP HCM". "Em trả lời mà không thật sự chắc chắn, chủ yếu dựa trên suy luận", Sơn nói.
Khi được thông báo cầu truyền hình trực tiếp trong trận chung kết sẽ đặt tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyên Sơn vỡ òa, chạy xuống khu vực khán giả để chia vui. "Đến bây giờ khi nhớ lại khoảnh khắc đó, em vẫn rất vui sướng", Sơn bày tỏ.
Cô Bùi Thị Hoài Thanh, giáo viên dạy Văn và là chủ nhiệm của Nguyên Sơn, so sánh em giống một ngọn núi lửa. Bề ngoài, Sơn điềm tĩnh, chừng mực và ít khi bày tỏ thái độ, nhưng ẩn bên trong là một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt và sẵn sàng bùng nổ để toả sáng. Cô Thanh biết Olympia là ước mơ của Nguyên Sơn từ lâu, nên sân chơi này có ý nghĩa lớn với cậu học trò.
Ở lớp, Sơn học đều, có thế mạnh ở các môn xã hội và hiểu biết chung. Cô Thanh đánh giá học trò là người chủ động và độc lập, có ý thức. Sơn có thể tự sắp xếp kế hoạch cá nhân một cách khoa học, luôn có ý thức học hỏi, cầu tiến. Cô Thanh hy vọng cậu học trò sẽ bùng nổ đúng lúc và đạt kết quả tốt trong trận chung kết.
Nguyên Sơn và các thí sinh nhận kỷ niệm chương của chương trình sau khi trận thi quý IV khép lại. Ảnh chụp màn hình
Ba bạn chơi của Nguyên Sơn trong trận chung kết hôm 2/10 là Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) và Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La). Sơn nhận định Nguyên Vũ có thế mạnh tốc độ trong thao tác và xử lý thông tin; Đình Tùng hiểu biết rộng, thường bứt phá trong phần Về đích; còn Anh Đức là nhân tố có khả năng tạo bất ngờ và đột biến.
Do thời gian không còn nhiều, Sơn cho biết em chủ yếu rèn kỹ năng, đọc sách báo để biết thêm tin tức thời sự. Nam sinh cũng nhận được hỗ trợ từ bạn bè và thầy cô, giúp em tổng hợp kiến thức và gợi ý những câu hỏi hay. Bên cạnh đó, Sơn chú trọng cải thiện tốc độ, bởi các đối thủ trong trận chung kết đều rất đáng gờm.
Trong các thí sinh từng dự thi Olympia, Nguyên Sơn ấn tượng và học hỏi lối chơi của đàn anh Nguyễn Hoàng Khánh (cựu học sinh THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh) - quán quân năm thứ 21. Sơn nể phục sự lạnh lùng, trí nhớ tốt và sự hiểu biết về những kiến thức lạ, ít phổ thông của Hoàng Khánh. Nam sinh cho rằng đây là những tố chất em cần học hỏi, cải thiện.
Tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia, Nguyên Sơn nói ngoài kiến thức, em còn cải thiện được kỹ năng xã hội, có thêm nhiều bạn bè. "Trong trận đấu, bọn em là đối thủ nhưng vẫn là những người bạn trong cuộc sống. Olympia cũng mang đến cho em cơ hội quen biết, gặp gỡ những người chung sở thích, đam mê, dù bọn em ở rất xa nhau", nam sinh chia sẻ.
Thanh Hằng