Ngày nay, có không ít cha mẹ đặt kỳ vọng rất lớn vào chuyện học của con cái. Cũng vì thế, đứa trẻ lớn lên với áp lực khổng lồ để cố gắng làm hài lòng đấng sinh thành. Tuy nhiên, phụ huynh cần nhớ rằng, chuyện học không bao giờ là dễ dàng. Nếu con phải đối diện sức ép quá lớn thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Mới đây, một cậu bé 9 tuổi tên Tiểu Tiêm (Trung Quốc) đã phải nhập viện cấp cứu khẩn. Trước đó không lâu, cậu rơi vào tình trạng hôn mê khi đang làm bài tập về nhà. Trên đường đi đến bệnh viện, Tiểu Tiêm tỉnh dậy đúng một lần. Thấy mẹ ngồi bên cạnh, cậu nhóc nói: "Mẹ ơi, con mệt quá, con ngủ một lát". Vừa dứt lời, cậu liền chìm vào giấc ngủ và không bao giờ tỉnh lại.
Cha mẹ Tiểu Tiêm cũng không ngờ rằng, đây là những lời nói cuối cùng bản thân nghe được từ con trai.
Lời nói cuối cùng của Tiểu Tiêm trước khi mất: "Mẹ ơi, con mệt quá, con ngủ một chút".
Ngoài hành lang phòng cấp cứu, cha mẹ Tiểu Tiêm vật vã vì nỗi đau mất con. Theo kết luận từ bác sĩ, nguyên nhân gây ra cái chết của Tiểu Tiêm là đột tử do suy yếu sức khoẻ và căng thẳng kéo dài. Bác sĩ hỏi về khoảng thời gian trước khi mất, Tiểu Tiêm đã làm những việc gì. Nói đến đây, bố mẹ cậu bắt đầu nhìn nhau và khóc nức nở.
Người mẹ nói rằng Tiểu Tiêm là đứa trẻ ngoan ngoãn và học giỏi. Chính vì thế, bố mẹ Tiểu Tiêm quyết định đầu tư tiền cho con đi học thêm đủ mọi lớp bồi dưỡng. Theo thời gian, lịch trình học tập của cậu nhóc dày đặc từ thứ hai đến chủ nhật, gần như không có ngày nghỉ. Do bận rộn nên bữa tối của Tiểu Tiêm thường là bánh mì hoặc bánh bao ăn vội trên đường đến lớp học thêm. 9h tối, Tiểu Tiêm trở về nhà và tiếp tục làm bài tập đến khuya.
Khoảng thời gian gần đây, người mẹ thấy kết quả của con dần sa sút trong khi kỳ thi đang đến gần. Chị quyết tâm bỏ bớt lớp vẽ và chơi bóng rổ của con vào cuối tuần để thay bằng lớp học thêm môn Toán và Ngữ văn. Cũng vì thế, áp lực học hành đè lên vai Tiểu Tiêm càng nặng hơn bao giờ hết.
Thông qua cuộc trao đổi với gia đình, bác sĩ đã hiểu rõ về bệnh tình của Tiểu Tiêm. Theo đó, cậu nhóc đã học hành quá sức và gặp áp lực trong thời gian dài dẫn đến cái kết đau lòng. Khi nghe bác sĩ nói nguyên do, mẹ Tiểu Tiêm còn không tin vào sự thật. Sau đó, chị yêu cầu bác sĩ kiểm tra kỹ hơn nhưng kết quả vẫn như vậy.
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, vào buổi tối xảy ra vụ việc, thấy con trai có biểu hiện chán nản, không muốn làm bài tập, mẹ đã động viên Tiểu Tiêm: "Con ngoan, con cố nốt mấy hôm nữa để thi được học sinh giỏi, sau đó mẹ sẽ cho con nghỉ ngơi và đi du lịch. Con làm bài đi nhé, xong mới được ra ăn cơm".
Đau lòng là lời hứa giữa mẹ và Tiểu Tiêm đã không bao giờ trở thành hiện thực. Giờ đây, cha mẹ Tiểu Tiêm có hối hận vì những điều đã qua thì mọi chuyện đã quá muộn.
Sau khi câu chuyện của Tiểu Tiêm được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích phương pháp giáo dục con sai lầm của gia đình này. Ngoài ra, một lần nữa chủ đề áp lực thi cử của những đứa trẻ ở đất nước tỷ dân lại được các bậc phụ huynh thảo luận.
- Ép đứa nhỏ 9 tuổi đến mắc bệnh nặng. Cha mẹ này không biết ngày thường đã dạy con kiểu gì nữa.
- Dù biết họ phải gánh chịu nỗi đau mất con nhưng tôi vẫn không thể thông cảm cho cặp vợ chồng này.
- Sự thật quá tàn nhẫn với cả đứa trẻ và cha mẹ của cháu bé. Dù biết bố mẹ Tiểu Tiêm đã sai, nhưng có lẽ đây là "hình phạt" đau lòng nhất với họ rồi.
- Áp lực học hành của đứa trẻ quá lớn. Giờ tôi đã hiểu tại sao người ta vẫn nói Gaokao (kỳ thi Đại học của Trung Quốc) của chúng ta là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới.
- Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ chịu tổn thương vì áp lực học hành. Thiết nghĩ chương trình học tập của học sinh nước ta đã quá nặng rồi.
Cha mẹ nên lưu ý gì để giảm áp lực học tập cho con?
Thực tế, trước Tiểu Tiêm, đã có nhiều bi kịch tương tự được ghi nhận. Nhiều người lớn chỉ để ý đến thành tích, không quan tâm suy nghĩ, tình cảm, quá trình phát triển của trẻ. Điều này vô tình đẩy cuộc đời con vào bi kịch.
Bạn có để ý, câu hỏi đầu tiên của nhiều người khi đón con ở cổng trường là "Hôm nay được mấy điểm?", chứ không phải "Con học có vui không?". Những câu hỏi như "Con muốn làm gì? Học gì? Ước mơ gì?" dường như xa lạ với nhiều ông bố, bà mẹ.
Để tránh trường hợp thương tâm tương tự xảy ra, cha mẹ tham khảo những lưu ý dưới đây để giảm áp lực học tập cho con:
- Cho con học những điều trẻ muốn, tránh áp lực thành tích
Trẻ sẽ thích thú và dễ dàng đạt thành tựu nếu con được làm điều yêu thích, trong học tập cũng vậy. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều cha mẹ khó tránh được việc nhìn sang đứa trẻ khác đạt được kết quả cao rồi đặt kỳ vọng tương tự cho con mình. Song mỗi đứa trẻ có những năng lực khác nhau. Việc đặt ra áp lực thành tích quá lớn cho con có thể khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí gặp ảnh hưởng tâm lý.
- Dành thời gian để con vui chơi
Cũng giống như khi người lớn đi làm, trẻ nhỏ cũng cần được nghỉ ngơi sau quãng thời gian học tập căng thẳng. Khi trẻ được tái tạo năng lượng tích cực từ việc vui chơi, con sẽ hợp tác hơn trong các giờ học tiếp theo.
- Trở thành người bạn đồng hành cùng con
Làm bạn cùng con, cha mẹ sẽ hiểu con muốn gì, cần gì và có thể đạt được điều gì. Nếu cha mẹ cố gắng trò chuyện với đứa trẻ, con sẽ mở lòng để chia sẻ những điều con mong muốn, yêu thích và khi nào cảm thấy áp lực.
Suy cho cùng, vẫn hiểu cha mẹ đương nhiên yêu con cái. Tuy nhiên việc cha mẹ áp đặt tình yêu, cho phép bản thân đặt gánh nặng lên người con là điều không thể chấp nhận. Nên nhớ, trẻ em vẫn mãi là trẻ em, cần được nghỉ ngơi và tận hưởng tuổi thơ của mình.
Đó mới chính là mục đích của giáo dục: Tạo nên những đứa trẻ yêu đời, thay vì việc đẩy một học trò nào đó vào con đường cùng, tuyệt vọng trước việc học. Để làm được điều đó, gia đình nên phối hợp với trường học để chuyện học trở thành một nhiệm vụ nhẹ nhàng với con trẻ.
Tổng hợp