Mới đây, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS. Yêu cầu trên được Bộ GD&ĐT đưa ra trong bối cảnh một số địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 áp dụng hình thức cộng điểm ưu tiên, xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế - IELTS từ 4.0 trở lên.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) khẳng định việc sử dụng chứng chỉ IELTS xét tuyển vào lớp 10 có thể gây mất công bằng trong giáo dục. Bởi không phải ai cũng có điều kiện học và thi chứng chỉ này.
Quyết định của Bộ GD&ĐT đã rất được phụ huynh hoan nghênh, đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu đã dừng xét tuyển lớp 10 bằng IELTS thì cũng nên xem xét lại việc dùng IELTS để xét tuyển đại học.
Ảnh minh hoạ
Hai luồng ý kiến: Luồng 1 - Phản đối
Một học sinh cho biết, em ở tỉnh miền núi, ở ngay thành phố, nhà cũng có điều kiện để đi học IELTS nhưng không có nhiều người dạy. Ở thành phố đã thế, ở các huyện còn khó khăn hơn. Chính vì vậy, em không dám mơ đến những trường top đầu có xét chứng chỉ IELTS. Trong trường hợp học online thì lệ phí học online và đi thi IELTS cũng là một số tiền lớn đối với những em ở địa phương khó khăn.
Không ít phụ huynh bày tỏ quan điểm phản đối: "Kỳ thi dành cho mọi đứa trẻ nhưng lại ưu tiên chứng chỉ mà chỉ những đứa trẻ gia đình có điều kiện mới sở hữu được"; "Tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp, giúp ích cho học tập, công việc. Khuyến khích thì được chứ lấy nó làm thước đo để xét tuyển thì không ổn", "Vậy nếu các em giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không có điều kiện học sâu tiếng Anh thì chẳng phải sẽ bị loại đáng tiếc khỏi khối ngành Kỹ thuật hay sao?",...
"Mỗi mùa tuyển sinh đại học, nhìn quy chế tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS, tôi lại thấy rõ khoảng cách giàu nghèo", một phụ huynh bình luận.
Luồng 2 - Đồng tình
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít ý kiến đồng tình với việc xét tuyển đại học bằng IELTS. Theo đó, những ý kiến đồng tình cho rằng: Phổ thông thì cần công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, không nhất thiết phải phổ cập và phổ thông hóa đại học nếu muốn có hệ thống giáo dục đại học tiệm cận chuẩn quốc tế. Các em đủ 18 tuổi có thể lựa chọn nhiều con đường tùy hoàn cảnh mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh. Họ có quyền, có cách chọn lựa học sinh đủ năng lực, phẩm chất vào học.
"Đâu phải các trường chỉ tuyển sinh bằng mỗi chứng chỉ IELTS, ngoài phương thức xét tuyển bằng IELTS thì cũng còn các phương thức xét tuyển khác chẳng hạn như xét tuyển học bạ, xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT,...", một ý kiến cho hay.
Một số ý kiến chỉ ra rằng, với các bạn thí sinh ở khu vực miền núi trong tuyển sinh đại học cũng có chính sách ưu tiên. Theo đó, Khu vực 1 là các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành tương ứng với thời gian học THPT hoặc trung cấp của thí sinh; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được cộng 0,75 điểm. Khu vực 2 là các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1) được cộng 0,25 điểm.
Là giáo viên có 15 năm kinh nghiệm, cô Trần Mai Anh (cựu giảng viên ngoại ngữ) cho biết, bản thân ủng hộ đưa IELTS vào xét tuyển đại học, tuy nhiên vẫn nên giữ phương thức xét tuyển như hiện tại. Nghĩa là IELTS hay TOEFL chỉ nên là tiêu chí để nhà trường quy đổi điểm nhằm xét miễn thi đối với môn tiếng Anh. Học sinh có thể lựa chọn 2 phương án:
- Một là nếu bạn đã có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên còn trong thời hạn, có thể quy đổi sang 9 điểm tiếng Anh trở lên THPTQG.
- 2 là bạn không thi IELTS, bạn vẫn làm bài theo phương thức truyền thống.
Theo cô Mai Anh, IELTS vẫn là chứng chỉ 4 kĩ năng quan trọng mà bất kể học sinh nào có định hướng làm việc trong ngành hoặc ngoài ngành nhưng cần sử dụng tiếng Anh phải chinh phục được. Hiện tại Tiếng Anh trong nhà trường, kể cả thành phố lớn như Hà Nội đều chưa đủ đáp ứng được nhu cầu và vai trò của nó trong cuộc sống.
Không nên so sánh việc dùng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10 với tuyển sinh đại học
Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, tác giả các cuốn sách Cùng Con Bước Qua Các Kỳ Thi và Tư Vấn Kỳ Thi Vào 10, cần tách bạch hai kì thi lớp 10 và tuyển sinh đại học để có cái nhìn khách quan. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu một số tỉnh dừng tuyển thẳng vào 10 với thí sinh có chứng chỉ IELTS là đúng. Kì thi chuyển cấp với 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, có tỉnh thi hơn 3 môn để các con có kiến thức hài hòa. Việc xét tuyển thẳng sẽ dẫn đến đổ xô đi học IELTS để giành suất tuyển thẳng.
Kì xét tuyển đại học đòi hỏi nhiều yếu tố, các trường xét tuyển cả chứng chỉ SAT và IELTS cũng như điểm đánh giá năng lực (ĐGNL), mỗi trường lại có cách xét tuyển và qui đổi khác nhau, do vậy việc chấp nhận chứng chỉ IELTS là cần thiết. Với những thí sinh không có điều kiện học và luyện IELTS, các bạn vẫn có thể xin xét tuyển thông qua học bạ cùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hai kì thi khác nhau, độ tuổi thí sinh khác nhau nên sẽ không áp dụng chung một quy định.