Hoàng Long nhận tin trúng tuyển chương trình tiến sĩ Hóa học, Đại học Vanderbilt, với học bổng toàn phần, hồi giữa tháng 1. Ngôi trường top 18 nước Mỹ, theo xếp hạng của US News, miễn toàn bộ học phí cho Long và trợ cấp sinh hoạt 35.000 USD mỗi năm.

"Mình vui đến mức bật khóc", Long nói. "Trước đó, mình nộp hồ sơ vào 15 trường, đều trong top 20 và liên tục bị từ chối nên lo đến mất ăn mất ngủ".

TS. Đỗ Văn Thanh Nhân, giảng viên khoa Hóa, Đại học Alberta, Canada, đánh giá đây là thành quả xứng đáng với sự nỗ lực không ngừng của Long.

Lần đầu gặp ở một hội thảo Hóa học năm 2016, thầy đã ấn tượng với sự nhiệt thành, năng nổ của Long khi trình bày đề tài Tổng hợp Anastrozole thuốc ung thư vú ở Việt Nam. Được hỏi thêm, anh cũng trả lời rất tốt. Khi đó, Long mới học lớp 11.

"Tôi hỏi ước mơ của em là gì, em nói muốn trở thành nhà Hóa học. Và tôi tin em sẽ làm được", TS Nhân nhớ lại.

A-nh-cha-n-dung-2253-1714375220.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Srs5AzUB8VYNg1ArH5J94w

Nguyễn Hoàng Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Long là cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM. Anh tự nhận có khởi đầu không mấy suôn sẻ với môn Hóa vào năm lớp 8, 9. Những bài học đầu tiên chỉ toàn tính số mol, nồng độ các chất, khác hẳn với các thí nghiệm cháy nổ, đổi màu sắc thú vị mà anh thường nghĩ.

"Vỡ mộng" nên Long học không vào, điểm kiểm tra thường dưới 6 và phải đi học phụ đạo. Dần dần, nhận ra tính ứng dụng của các công thức tính toán khô khan, anh hứng thú với Hóa học trở lại.

Long sau đó tự mày mò, làm theo các thí nghiệm trong sách giáo khoa bằng dụng cụ và chất mà bố mua được ở chợ Kim Biên. Có lần, với ống nghiệm thủy tinh, bình cầu, bình Erlen, anh cho oxy già phản ứng với KMnO4, thấy đổi màu từ tím sang nâu rất đẹp.

"Bố không học đại học, cũng không làm trong ngành Hóa, nhưng là người ủng hộ mình theo con đường nghiên cứu khoa học nhất", Long kể.

Lên lớp 11, Long muốn thử làm nghiên cứu nghiêm túc. Khi đọc về nhà Y sinh học Đồ U U - người đạt giải Nobel năm 2015, cậu nảy ra ý định tìm hiểu về hoạt tính chống sốt rét của cây thanh hao hoa vàng. Gặp một người bạn ở sự kiện khoa học của trường Phổ thông Năng khiếu, Long chia sẻ ý tưởng này. Đôi bạn vạch ra kế hoạch chi tiết để xin vào phòng thí nghiệm của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.

Được thầy Nguyễn Trung Nhân, nay là trưởng khoa Hóa học của trường, hướng dẫn, Long cùng bạn làm rất chăm chỉ. Song, sau vài tháng, cả hai vẫn chưa ra kết quả như mong muốn. Điều đó càng khiến Long quyết tâm dành nhiều thời gian hơn.

Tốt nghiệp cấp ba năm 2018, Long chọn gap year (tạm dừng học), rồi du học Mỹ năm 2020, tại Cao đẳng cộng đồng Reynolds. Ở đây, Long tích lũy tín chỉ đại cương và tiếp tục các nghiên cứu dang dở. Trong vòng hai năm, anh có tên trong ba bài báo quốc tế về tổng hợp hữu cơ, đăng trên các tạp chí Q1, Q2.

Năm 2021, Hoàng Long nhập học khoa Hóa, Đại học Bách khoa Virginia (Virginia Tech, top 47 Mỹ), theo đuổi hướng nghiên cứu về thiết kế phân tử trong tổng hợp hữu cơ.

Long tâm đắc nhất nghiên cứu về phát triển phản ứng Hydroboration các hợp chất bán bão hòa sử dụng xúc tác Đồng (I) Acetate, ứng dụng trong tổng hợp vật liệu bán dẫn hữu cơ. Thông thường, quá trình tổng hợp các hợp chất có chứa liên kết Carbon-Boron cần sử dụng xúc tác đắt tiền. Hiểu được điều này, anh phát triển phản ứng hoàn toàn mới, sử dụng xúc tác thân thiện với môi trường, không sử dụng các hợp chất cháy nổ và quy trình phức tạp.

Phần lớn thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, nhiều lúc quên ăn quên ngủ, nhưng theo Long, mọi khó khăn đều tan biến khi ra được kết quả như mong đợi.

Nhờ tích cực tham gia nghiên cứu cùng các giáo sư ở Đại học Bách khoa Vigrina, cùng điểm chuyên ngành 3.72/4, Long trở thành một trong hai sinh viên nhận học bổng nghiên cứu mùa hè của khoa.

Bên cạnh Hóa học, Hoàng Long đam mê nấu ăn và nhạc cổ điển. Anh nhận thấy giữa chúng có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn việc sắp xếp các nốt để tạo ra bản nhạc giống như sử dụng các hóa chất để thiết kế phân tử. Âm nhạc cũng được Long đưa vào bài luận ứng tuyển học bổng tiến sĩ ở Vanderbilt, nhấn mạnh vào tính nghệ thuật và sáng tạo trong tổng hợp hữu cơ.

Theo Hoàng Long, bài luận này cùng với các công bố khoa học, ba thư giới thiệu của các giáo sư đầu ngành, là yếu tố giúp anh chinh phục ban tuyển sinh Đại học Vanderbilt.

Hoa-ng-Long-a-o-den-giu-a-cu-n-1295-6956-1714375220.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NZTTFAYQLUX2IZIDEt-V5Q

Hoàng Long (áo đen, giữa) cùng các thành viên phòng thí nghiệm khoa Hóa học, Đại học Bách khoa Virginia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Long quan niệm một nhà khoa học không chỉ cần nghiên cứu giỏi, mà còn cần biết cách khơi dậy cảm hứng, truyền tải tri thức. Anh làm trợ giảng môn Hóa hữu cơ ở trường, hướng dẫn một vài sinh viên làm nghiên cứu cùng các thầy ở Việt Nam.

Năm 2023, trong vai trò chủ tịch hội Hóa học tại Đại học Bách khoa Virginia, anh thường tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, biểu diễn thí nghiệm, thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Vì sao pháo hoa có màu sắc, vì sao cồn bắt cháy, vì sao gọi hydro là nhiên liệu thế hệ mới... tất cả đều được giải thích bằng những thí nghiệm trực quan, sinh động để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.

"Nhìn tụi nhỏ hào hứng, mình cũng vui lắm, thấy việc nghiên cứu của mình có ý nghĩa hơn nhiều", Long nói. Anh cũng hay xin lại một số dụng cụ thí nghiệm của giáo sư, gửi về các trường ở Việt Nam, mỗi năm một lần.

Long sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng sau và bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh ở Đại học Vanderbilt từ tháng 8. Song song đó, anh định kết nối với một trường đại học ở TP HCM để lập phòng thí nghiệm, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu xúc tác quang hóa hoàn nguyên - xu hướng hiện nay trên thế giới.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022