Chiều 5/1, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết trường đã thông báo điều chỉnh học phí năm học 2022-2023 theo hướng giữ nguyên mức học phí năm ngoái. Số tiền học phí chênh lệch sẽ được trừ sang học kỳ kế tiếp. Riêng sinh viên năm cuối sẽ được nhận tiền hoàn trả tại phòng Tài chính Kế toán. Sinh viên chưa đóng học phí kỳ II sẽ đóng theo mức mới mà trường thông báo.
Hồi đầu năm học, trường này đã tăng học phí khoảng 7% với chương trình chính quy và 3,5% với chương trình chất lượng cao so với hai năm trước. Sau khi điều chỉnh, học phí ở hệ đào tạo đại học chính quy từ 246.500- 290.000 đồng một tín chỉ, tùy ngành và tùy khóa học. Như vậy, so với thông báo hồi đầu năm, sinh viên sẽ được hoàn trả khoảng 45.000-60.000 đồng mỗi tín chỉ.
Sinh viên trường Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) làm thủ tục nhập học sáng 17/9. Ảnh: Thanh Tùng
Tương tự, trường Đại học Luật TP HCM, Đại học Kiến trúc TP HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng thông báo điều chỉnh học phí, hôm 5/1.
Cụ thể, học phí các ngành chương trình đại trà của trường Đại học Luật TP HCM còn 18 triệu đồng một năm, giảm 13 triệu đồng so với mức trường này đã thu. Trong khi đó, các ngành hệ chất lượng cao có mức thu mới là 36-45 triệu đồng, giảm 3-17,5 triệu đồng, ngành Luật hệ chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí 150 triệu đồng, giảm 15 triệu đồng một năm.
Tại trường Đại học Kiến trúc TP HCM, các ngành học thuộc chương trình đại trà thu học phí 377.000 đồng một tín chỉ, giảm từ 7.000 đến 88.000 đồng. Với chương trình chất lượng cao, học phí các ngành dao động từ hơn 1,2 triệu đến hơn 1,6 triệu đồng một tín chỉ, giảm khoảng 222-366.000 đồng.
cũng giảm học phí chương trình đại trà và chất lượng cao so với thông báo hồi đầu năm. Nhà trường sẽ hoàn trả lại phần chênh lệch học phí cho những sinh viên đã đóng theo mức cũ.
Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), ông Trần Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của trường, cho biết trường sẽ không tăng học phí với các sinh viên khóa từ năm 2021 trở về trước, các em sẽ được giảm 10-17 triệu đồng một năm. Riêng khóa tuyển sinh năm 2022, do là năm đầu tiên trường thu học phí theo cơ chế tự chủ, không phải tăng học phí, nên trường vẫn giữ nguyên mức thu học phí dao động 21-27 triệu một năm.
Trường có mức học phí chênh lệch cao nhất sau khi điều chỉnh là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Hồi đầu năm, trường này thông báo thu học phí theo cơ chế tự chủ với mức học phí khoảng 16-24 triệu đồng mỗi năm ở hệ chuẩn, 60 triệu đồng đối với hệ chất lượng cao. So với học phí cũ khi chưa tăng, sinh viên sẽ được nhận lại khoảng 5-24 triệu đồng, tùy theo ngành học.
Các trường cho biết sẽ tính lại toàn bộ học phí cho học viên, sinh viên theo mức mới điều chỉnh, tiền chênh lệch sẽ được trừ vào học kỳ hai năm học này và các năm tiếp theo. Nếu là sinh viên năm cuối, các em sẽ được hoàn trả lại số tiền chênh lệch qua tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt.
Trước đó, đầu năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công bố mức học phí tăng 30-70% so với năm ngoái do áp dụng mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý học phí. Tuy nhiên, hôm 20/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập phải giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát. Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021 của Chính phủ.
Lam Thanh