Sáng 15/12, hơn 2.600 học sinh trường THCS và THPT Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tập trung trong khuôn viên trường để theo dõi chương trình nghệ thuật "Hào khí Việt Nam", kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

Chương trình thuộc dự án tích hợp liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Quốc phòng - An ninh Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục địa phương, với sự tham gia của học sinh của nhiều khối lớp.

Trong một tiếng, học sinh khối 8 múa hát, tái hiện nhiều giai đoạn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, kháng chiến chống Mỹ hay khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Điểm nhấn của phần này là học sinh xếp hình thành bản đồ đất nước. Phía trên, một chiếc drone (phương tiện bay không người lái) mang theo cờ Đảng do học sinh khối 11 tự thiết kế và điều khiển bay từ cổng vào sân trường.

Sau đó, 34 đoàn viên biểu trưng cho 34 đội viên đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, diễu hành. Nhà trường cũng mời dàn quân nhạc của Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội đến biểu diễn để học sinh hiểu hơn về hoạt động của quân đội, biết về các nhạc cụ, dàn nhạc.

Song song đó, khách mời, học sinh xem triển lãm mỹ thuật "Tổ quốc nhìn từ biển" với hơn 50 bức tranh về chủ đề biển đảo do học sinh các khối, lớp thực hiện.

Lomonoxop-jpeg-3146-1702625631.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K-DiiTwB3xTZ1VoVrN4-cA

Học sinh xếp thành hình bản đồ Việt Nam ở phần cuối chương trình nghệ thuật sáng 15/12. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đóng vai Lạc Long Quân, biểu diễn trong chương trình nghệ thuật sáng nay, Nguyễn Đình Hải, học sinh lớp 8, nói dành tâm huyết và học hỏi được thêm nhiều kiến thức khi tham gia dự án trong khoảng một tuần.

"Em biết nhiều kiến thức lịch sử và địa lý, cũng biết thêm về các loại nhạc cụ thông qua phần biểu diễn của các cô chú trong quân đội", Hải nói.

Với Phí Kiều Linh, học sinh lớp 8, dự án giúp em được điểm cao ở môn Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, đồng thời thể hiện được khả năng múa. Em cũng được củng cố kiến thức về lịch sử và địa lý biển đảo Việt Nam.

Còn Nguyễn Hữu Nghĩa, học sinh lớp 11, nằm trong nhóm sáng chế drone, cho biết drone được em và các bạn trong câu lạc bộ Robotics chế tạo trong gần hai tháng nay. Mục đích ban đầu của nhóm là đưa nước và bình khí CO2 để dập lửa trong trường hợp có cháy ở tầng cao. Tuy nhiên, khi dự án tích hợp liên môn của trường có ý tưởng dùng drone, nhóm đã thử nghiệm, sửa chữa nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ.

"Em rất vui vì sản phẩm của chúng em đã thực hiện thành công", Nghĩa nói.

du-an-tich-hop-10-mon-hoc-cua-thay-tro-ha-noi-1702625299.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zdzbC26JsoRhe7e0toKNYA
Dự án tích hợp 10 môn học của thầy trò Hà Nội

Drone do học sinh thiết kế trong chương trình. Video: Nhà trường cung cấp

Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu phó trường THCS và THPT Lômônôxốp, cho biết các dự án liên môn được nhà trường triển khai nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để thực hiện dự án này, từ khi xây dựng kế hoạch giảng dạy đầu năm học, giáo viên các bộ môn đã ngồi lại với nhau để tính toán xem có thể kết hợp những phần nào được.

"Chúng tôi có kế hoạch rất cụ thể và mọi chi tiết đều giúp học sinh có thêm kiến thức nào đó", cô Nhung nói, lấy ví dụ khi xếp bản đồ Việt Nam, những học sinh đứng ở khu vực phía Bắc đều cầm hoa màu hồng và trắng tượng trưng cho hoa đào và hoa ban, khu vực miền Trung có học sinh cầm hoa sen quê Bác, khu vực miền Nam là hoa mai. Dù chỉ là chi tiết rất nhỏ, học sinh cũng có thêm kiến thức về đặc trưng của các vùng miền.

Tham gia dự án, học sinh được cộng điểm ở các môn học liên quan. Ví dụ, các em được cho điểm hệ số 1 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Nghệ thuật. Học sinh thiết kế drone được cộng điểm môn Công nghệ. Ngoài ra, học sinh sẽ làm bài thu hoạch cho môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp rồi báo cáo tại lớp.

81480673-BE41-42F3-9699-8B0C72-4002-2432-1702625632.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=evA1_n7N47yvTDpS10wutg

Học sinh xem triển lãm mỹ thuật trong khuôn khổ dự án. Ảnh: Dương Tâm

Việc đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích, kể từ khi cả nước thực hiện chương trình phổ thông mới năm 2020. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Với điểm giữa và cuối kỳ, học sinh có thể làm bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.

Dù vậy, việc học qua dự án phổ biến hơn ở các trường tư thục, tại các thành phố lớn. Ở Hà Nội, các dự án liên kết ở khoảng 10 môn học, cả ở cấp THCS và THPT như tại trường Lômônôxốp chưa nhiều.

"Những dự án này rất thiết thực, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện của chương trình mới, học sinh cũng rất hào hứng", cô Nhung nói, cho hay sẽ làm các dự án tương tự trong thời gian tới.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022