Nội dung được nêu trong dự thảo quyết định của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành STEM, do Bộ Tài chính công bố hôm nay. Mục tiêu là thu hút sinh viên vào nhóm này, góp phần tạo ra đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, chính sách áp dụng với sinh viên các ngành về khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê.

Để vay vốn, sinh viên năm thứ nhất là đạt học lực khá trở lên trong ba năm THPT. Điều kiện về học lực cũng tương tự với sinh viên năm thứ 2 trở đi, nhưng ở năm học liền kề trước. Với nhóm cao học (thạc sĩ, tiến sĩ), học viên phải tốt nghiệp đại học tại thời điểm vay.

Mức vay tối đa với một người học là 5 triệu đồng một tháng. Lãi suất cho vay bằng mức đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện là 6,6% một năm.

Bộ Tài chính cho biết mức này căn cứ khảo sát thực tế các trường đại học tại Hà Nội và TP HCM. Hiện, học phí đào tạo ngành STEM của các chương trình đại trà khoảng 30-50 triệu đồng mỗi năm, các chương trình tiên tiến hoặc hợp tác nước ngoài là 50-70 triệu. Với các chương trình quốc tế, mức thu lên tới 200-300 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt cơ bản của sinh viên ở hai thành phố này khoảng 3-5 triệu đồng một tháng.

Còn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu vay của sinh viên các ngành STEM trung bình khoảng 9,5 triệu đồng một tháng, gồm 5 triệu tiền sinh hoạt phí và 4,5 triệu đồng tiền học phí và chi phí liên quan.

Về mức lãi suất 6,6%, Bộ Tài chính cho biết hiện nhiều trường cho rằng nên giảm còn khoảng 5%, Đại học Bách khoa Hà Nội thậm chí đề xuất còn 3%. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất trong các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất mức này.

Screenshot-2025-04-17-144440-1-7256-3892-1744876095.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vQv4OmxrgrY6SzOnsKIXog

Sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Hiện, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng một tháng nhưng chỉ áp dụng với sinh viên mồ côi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Lãi suất cũng đang là 6,6% một năm.

Theo Nghị định 81, trần học phí đại học công lập với các trường chưa tự chủ năm học tới là 15,9 đến 31,1triệu đồng (10 tháng), trong đó khối ngành STEM là 17,1-18,5.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022