Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 18/10 công bố đề minh họa, đáp án của 17 môn thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, đề hai môn bắt buộc là Toán và Văn được các giáo viên đánh giá tăng độ khó và độ phân hóa thí sinh so với các năm trước.

Đề minh họa, đáp án 17 môn thi tốt nghiệp THPT 2025

Đề tham khảo môn Toán được xây dựng theo cấu trúc, định dạng mà Bộ đã công bố từ trước, theo thầy Đỗ Bảo Châu, giáo viên Toán, trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Hà Nam và nhóm giáo viên hệ thống Hocmai.

Đề gồm 34 câu, chia làm ba phần. Trong đó, phần 1 gồm 12 câu trắc nghiệm nhiều phương án, thuộc cấp độ nhận biết và thông hiểu. Phần 2 với 4 câu, mỗi câu 4 ý, dạng trắc nghiệm đúng sai, sắp xếp theo cấp độ từ nhận biết đến vận dụng. Cuối cùng là 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn, đều ở cấp độ vận dụng.

Thầy Châu cho hay kiến thức chủ yếu nằm ở lớp 12, còn phần lớp 10 và 11 chỉ ở mức cơ bản. Điểm mới của đề thi là không có câu hỏi chứa tham số, không có hàm hợp và có thêm phần thống kê. Điều chỉnh này phù hợp với hình thức câu hỏi, giảm độ phức tạp để học sinh dễ dàng nắm bắt và xử lý các dạng bài tập hơn.

Tuy nhiên, học sinh khó lấy điểm ở phần bài tập yêu cầu trả lời ngắn, bởi không thể chọn bừa và trông chờ may mắn. Các em phải thực sự hiểu câu hỏi và biết cách làm mới giành điểm.

Một trong những mục tiêu của chương trình mới là tăng tính thực tiễn. Thầy Châu cho rằng đề minh họa đáp ứng được khi có các câu hỏi xác suất liên quan đến hoạt động tiếp thị, thiên văn và hệ thống định vị toàn cầu GPS.

"Đây là điểm thú vị của đề thi, giúp học sinh có cảm giác mới mẻ, hào hứng, cũng tạo điều kiện để các em tư duy ngoài khuôn khổ sách giáo khoa", thầy nói.

Theo tính toán của nhóm giáo viên Hocmai, đề tham khảo 9 câu yêu cầu vận dụng, chiếm tỷ lệ 27%. Đây là những câu để phân hóa thí sinh, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

Cụ thể hơn, theo Châu nhận định mức điểm phổ biến mà thí sinh có thể đạt là 5-7. Trong đó, điểm 5-6 dành cho những em nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12, biết giải quyết các phép tính đơn giản hoặc áp dụng công thức trực tiếp. Ngưỡng 7-8 đòi hỏi thí sinh có kiến thức chắc chắn, biết suy luận và vận dụng công thức linh hoạt.

Để lấy điểm từ 9 trở lên, học sinh còn cần thêm kỹ năng giải những bài tập khó. Những bài này thường yêu cầu người học phải tìm mối quan hệ giữa các yếu tố hoặc biết cách chuyển đổi về dạng quen thuộc.

462557124-539627765376105-8112-5228-8322-1729264200.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qCFcNLbV8NeTwRMhGIrRXA

Phần yêu cầu trả lời ngắn trong đề tham khảo môn Toán được các giáo viên đánh giá khó.

Với môn Văn, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng môn Văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cho biết cấu trúc đề gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn với tỷ lệ điểm 4:6 thay vì 3:7 như trước đây. Thầy Minh ủng hộ thay đổi này, bởi với học sinh đại trà, kỹ năng đọc hiểu cần nhiều hơn viết.

Ngoài ra, trước đây, câu nghị luận xã hội mặc định yêu cầu thí sinh viết đoạn văn, còn nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn. Còn đề minh họa cho thấy có sự thay đổi linh hoạt, tùy vào thể loại văn bản ở phần Đọc hiểu. Ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, có sự liên kết giữa phần Đọc hiểu và Nghị luận văn học nên thí sinh chỉ phải xử lý một văn bản cho cả hai phần.

"Những điểm mới này sẽ tác động tích cực đến việc dạy học môn Văn, tránh việc học tủ, ghi nhớ máy móc", thầy Minh nhận định.

Tuy nhiên, thầy kỳ vọng cách đặt câu hỏi của đề mới mẻ, đột phá hơn.

"Cách hỏi, dạng câu hỏi cơ bản vẫn như trước, chưa có thay đổi mang tính đột phá, vì thế chưa thể tạo cơ hội để học sinh phát huy khả năng sáng tạo, tiếng nói riêng", thầy nhận xét.

Với đề thi Văn này, thầy Minh cho rằng học sinh dễ đạt điểm trung bình nhưng khó có tình trạng "mưa" điểm 9 như năm vừa rồi. Giáo viên phải chuyển trọng tâm từ việc dạy nội dung sang hướng dẫn phương pháp, cách thức làm bài, từ đó hình thành năng lực đọc hiểu và viết cho học sinh.

z5577640575924-3e721201c625ded-4165-7686-1729256928.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BfdUpjYA70EfgJBDZlQU7Q

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM, cuối tháng 6. Ảnh: Thanh Tùng

2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025. So với năm nay, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một.

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT 2025 theo dự kiến của Bộ, gồm điểm học bạ ở lớp 10, 11 và 12 (50%) và điểm thi (50%). Những năm trước, kết quả học bạ chỉ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp.

Bộ cho biết sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2025 muộn nhất vào tháng 11.

Lệ Nguyễn - Tâm Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022