Sáng 28/6, hơn 670.000 trong số 1,07 triệu thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, gồm ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đây là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp tồn tại bài tổ hợp, vì từ năm sau, thí sinh sẽ thi theo chương trình mới với bốn môn (Toán, Văn và hai môn lựa chọn).

Nguyễn Hoàng Vinh, học sinh trường THPT Trung Văn, Hà Nội, thấy cấu trúc đề ba môn quen thuộc, tương tự đề minh họa và đề các năm trước.

Vinh làm bài thi Lịch sử chưa đến 40 phút, còn lại rà lại bài. Theo nam sinh, đề có khoảng 10 câu phân loại, trong đó 5 câu khó hẳn, hỏi về lịch sử Việt Nam và yêu cầu suy luận. Vinh dự đoán được trên 7 điểm môn này.

Với Địa lý, nam sinh thấy đề ít câu đồ thị hơn, không quá khó để lấy điểm 6-7. Còn Giáo dục công dân, Vinh nghĩ mình có khả năng đạt 10.

Bùi Xuân Vinh, trường THPT Bùi Thị Xuân, cũng ước chừng có thể đạt 7 điểm Lịch sử, dù cảm thấy đề khó hơn một chút so với năm ngoái. Với hai môn còn lại, Vinh tự tin trên 9 điểm. Nam sinh dự định dùng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) để xét tuyển vào ngành Truyền thông của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Xem đề thi, đáp án gợi ý của ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân

Đề thi không khó lấy điểm 7 cũng là nhận xét của nhiều giáo viên.

Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại Tuyensinh247, nhận xét đề thi có 36/40 câu thuộc chương trình lớp 12; 4 câu lớp 11 về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chiến tranh thế giới thứ hai và Lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến 1945.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, đánh giá 20 câu đầu không quá khó, học sinh có thể chọn đáp án đúng nhờ phương pháp loại suy. 10 câu cuối có sự phân hóa, yêu cầu học sinh vừa có kiến thức, vừa biết phân tích, so sánh.

Những câu vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975. Nhóm câu này thường có dạng so sánh, liên hệ, hoặc yêu cầu học sinh nhận xét để tìm ra điểm đặc trưng của các giai đoạn.

Theo cô Huyền Thảo, phổ điểm tập trung ở mức 6,5-7, đảm bảo cho việc xét và công nhận tốt nghiệp.

"Tuy nhiên, độ phân hóa của đề chưa cao lắm, điểm 10 có thể nhiều hơn năm ngoái", cô nói.

Với môn Địa lý, cô Phan Thị Xuyến, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, nhận xét nội dung lý thuyết nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12; hai câu về bảng số liệu và biểu đồ thuộc lớp 11. Các câu hỏi có độ khó tăng dần.

Ngoài ra, đề bài không ghi rõ số trang Atlat, mà chỉ ghi tên loại Atlat mà học sinh cần sử dụng. Do đó, để khai thác chính xác, học sinh cần nắm chắc nội dung trong tài liệu này.

"Đề phân hóa, học sinh dễ làm được 30 câu đầu để đạt 7-7,5 điểm", cô Xuyến nói. "10 câu cuối thuộc phần vận dụng, vận dụng cao đòi hỏi các em phải có tư duy logic tốt, kiến thức xã hội rộng và năng lực giải quyết vấn đề".

Cô Nguyễn Thị Lệ Phương, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng câu hỏi khiến học sinh dễ mất điểm nhất là về sự phân hóa tự nhiên, gồm nhiều nguyên nhân, từ vị trí địa lý, gió mùa đến địa hình.

"Nếu không nắm chắc, học sinh sẽ dễ nhầm lẫn vì các phương án đều xuất hiện những yếu tố này", cô Phương nói. "Do vậy, thí sinh phải tùy vào từng vùng địa lý cụ thể mới chọn ra được đáp án chính xác ở các mã đề".

Ở môn Giáo dục công dân, cô Phạm Thị Luyến, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, cho biết có 36 câu thuộc chương trình lớp 12, bốn câu ở lớp 11. Những câu khó thường rơi vào kiến thức lớp 12.

Chia sẻ thêm, các giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết những câu "cực khó" đều đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật với độ nhiễu cao. Thí sinh phải chắc lý thuyết, có khả năng phân tích từng chi tiết để tìm được đáp án.

Cô Luyến dự đoán dự đoán điểm thi năm nay không biến động nhiều, tập trung khoảng từ 8 trở lên. Những thí sinh có khả năng tư duy, suy luận tốt sẽ đạt trên 9.

Điểm nổi bật của đề thi Khoa học xã hội năm nay, theo các giáo viên, là xuất hiện các dạng câu hỏi mới, tiệm cận cách ra đề của năm 2025 - năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình mới.

Chẳng hạn, ở môn Lịch sử, cô Huyền Thảo thấy đề thi có hai câu cung cấp tư liệu cho học sinh đọc, rồi đặt câu hỏi liên quan.

"Có thể xem đây là bước đầu cho sự chuyển biến của kỳ thi", cô Thảo nói.

Còn ở Giáo dục công dân, một số câu hỏi yêu cầu học sinh căn cứ tư liệu đã cho để đưa ra nhận định đúng, sai (như câu 102, 117, 322 của mã đề 322). Thí sinh cần có kiến thức tổng hợp và khả năng phân tích để xác định đúng số nhận định theo yêu cầu của đề.

1b69dde7-fbf4-4053-82a4-72a234-6356-1834-1719556759.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_olrHtTxqneEzRFxLtaSiA

Thí sinh rạng rỡ sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tại điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM, sáng 28/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào ngày 26-28/6 với hơn 1,07 triệu thí sinh. Chiều nay, thí sinh sẽ làm bài Ngoại ngữ, kết thúc kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 17/7. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất vào ngày 19/7. Thí sinh bắt đầu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 18 đến 30/7.

Nhóm phóng viên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022