Ngày 23/12, GS.TS Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết mức thưởng Tết Nguyên đán được duy trì như năm ngoái. Theo đó, giảng viên, cán bộ và nhân viên đều được được thưởng một tháng lương kèm theo khoản hỗ trợ của trường.

Theo ông Chương, lương mỗi tháng của giảng viên khoảng 10-35 triệu đồng, nên mức thưởng cũng sẽ chênh lệch. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ giống nhau và không căn cứ vào xếp loại. "Chúng tôi dự trù khoản này khoảng 20 triệu đồng mỗi người", ông Chương nói.

Với trường Đại học Ngoại thương, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng, cho biết mức hỗ trợ năm nay nhiều hơn không đáng kể với năm ngoái. Giảng viên nhận tháng lương 13, được trích từ quỹ khen thưởng và phúc lợi của trường, và tháng lương 14 - khoản có được do chênh lệch thu, chi mỗi năm. "Năm nay, trường Đại học Ngoại thương hoạt động tốt nên giảng viên có cả tháng lương 13 và 14", ông Tuấn nói và cho biết thêm thu nhập tháng của giảng viên Ngoại thương dao động 8-30 triệu đồng, tùy thâm niên và vị trí công tác.

Ngoài ra, giảng viên Ngoại thương có thêm khoản hỗ trợ Tết Nguyên đán 13 triệu đồng mỗi người. Khoản này được chi trả hai đợt, trước Tết 8 triệu và sau Tết 5 triệu đồng. Như vậy, một giảng viên Ngoại thương nhận khoảng 29 - 73 triệu đồng vào dịp Tết.

DNG-2014-3764-1671788930.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h58Ir6Ma64JNCyfeTwNCAQ

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên Viện Ngân hàng - Tài chính (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), tra cứu thông tin tại thư viện trường, ngày 24/11. Ảnh: Giang Huy

Thực tế, các trường đại học công lập không có khoản "thưởng Tết" cho giảng viên như doanh nghiệp. Theo Nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ, kết quả tài chính trong năm được các trường phân bổ vào bốn quỹ, gồm Phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25%), Bổ sung thu nhập, Khen thưởng và phúc lợi; Quỹ khác. Sau khi lập bốn quỹ, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được bổ sung vào quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp.

Các trường đại học tự đảm bảo hoặc đảm bảo một phần chi thường xuyên và chi đầu tư được dành tối đa 1,5-3 tháng tiền lương, tiền công trong năm cho quỹ Khen thưởng và phúc lợi, tùy mức độ tự chủ. Do đó, các trường thường hỗ trợ cán bộ, nhân viên và giảng viên 1-2 tháng lương vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người gọi đây là khoản "thưởng Tết".

Khảo sát một số đại học ở Hà Nội và TP HCM, hầu hết có mức "thưởng Tết" như năm ngoái.

Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng cho biết mỗi cán bộ, giảng viên được thưởng hai tháng lương, nên mức cao, thấp phụ thuộc hệ số lương từng người. "Đây là nỗ lực rất lớn của trường và thực hiện đúng quy định", ông Minh nói.

Theo đại diện ban Kế hoạch Tài chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức thưởng Tết âm lịch năm nay cũng như mọi năm. "Giảng viên sẽ được thưởng hai tháng lương. Mức lương thấp nhất khoảng 3 triệu đồng (sau khi trừ thuế) và cao nhất khoảng 12 triệu đồng. Với hai tháng lương, giảng viên có thể nhận được 6-24 triệu đồng", vị này cho biết.

Chưa có kế hoạch thưởng Tết âm lịch nhưng theo phòng Tài chính - Kế toán, Học viện Ngân hàng, mức thưởng có thể không thay đổi so với năm trước, tức tối đa một tháng lương. Mức thưởng chia theo hệ số, thấp nhất 3,24 và cao nhất bậc 6, bậc 7 với các giảng viên cao cấp nhưng không vượt quá ba tháng lương cơ bản theo nghị định của chính phủ.

Một số trường ở Hà Nội cho hay không có chính sách thưởng Tết nhưng sẽ chi trả những khoản tiền dạy ngoài giờ, vượt giờ vào cuối năm để người lao động sắm Tết.

Tại TP HCM, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM), thông tin năm nay trường chi thưởng Tết cho 280 giảng viên, nhân viên với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Mức thưởng dao động 15-30 triệu đồng mỗi người, tùy theo vị trí công việc.

Tương tự, mức thưởng Tết của giảng viên, nhân viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM không biến động, mỗi người nhận 20 triệu đồng. Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, giảng viên, nhân viên sẽ nhận thêm 2 triệu đồng lì xì. Riêng trưởng, phó khoa được 10 triệu đồng. Theo ông Hoàn, kinh phí thưởng Tết cho giảng viên, nhân viên chủ yếu được trích từ nguồn thu dịch vụ của trường và lợi nhuận của 12 công tỵ, đơn vị sự nghiệp tự chủ trực thuộc.

Ông Trần Hoàng Hải, quyền hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, chia sẻ trường dự kiến duy trì thưởng Tết khoảng 12-45 triệu đồng một người. Khoản này gồm ba phần: tiền Tết, tháng lương 13, thưởng thi đua. Trong đó, tiền Tết được chia đều cho mọi người. Một tháng lương tăng thêm, tiền thưởng thi đua sẽ tùy vào mức lương của mỗi người và mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Tại trường Đại học Nông Lâm TP HCM, ông Huỳnh Thanh Hùng, quyền hiệu trưởng cho biết trường cố gắng giữ mức thưởng Tết như năm trước là 12 triệu đồng một người. "Quan điểm của nhà trường là phúc lợi, thưởng ai cũng như nhau, từ cấp lớn nhất đến nhân viên thấp nhất. Do đó, thưởng Tết của toàn trường chung một mức, không phân biệt vị trí, thâm niên", ông Hùng nói.

Chưa thông qua kế hoạch thưởng Tết, nhưng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự kiến giữ mức thưởng ít nhất bằng năm ngoái. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên được nhận một tháng lương và 20 triệu đồng. Người cao nhất có thể nhận được 80 triệu, thấp nhất khoảng 30 triệu.

Các hiệu trưởng lý giải, mặc dù mọi hoạt động đã trở lại bình thường sau dịch Covid-19, tuy nhiên mức "thưởng Tết" khó tăng do nhiều trường không tăng học phí hai, ba năm nay. Trong khi phải tự chủ, vật giá tăng cao, nhưng nguồn thu của các trường không đổi. Vì thế, việc giữ "thưởng Tết" cho giảng viên, nhân viên như năm ngoái là cố gắng lớn.

"Muốn tăng mức thưởng chỉ còn cách tiết kiệm chi nhưng việc này cũng khó do liên quan đến mua sắm, điện, nước tăng theo giá thị trường", lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói, cho biết giảng viên của Học viện không có thưởng Tết Dương lịch.

Hằng Phương - Lam Thanh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022