ThS. Phan Mỹ Linh là người đồng sáng lập Liên đoàn Tranh biện Việt Nam, thành viên Hội đồng chuyên môn của cuộc thi Tiếng nói Xanh do Quỹ Vì tương lai xanh (Tập đoàn Vingroup) tổ chức. Bà kỳ vọng vào những giá trị cuộc thi mang lại sẽ trở thành tiền đề đưa kỹ năng hùng biện, tranh biện lan tỏa đến học sinh khắp mọi miền tổ quốc. Trước sự kiện, nữ thạc sĩ đã đưa ra nhiều ưu điểm và lời khuyên cho thí sinh trước khi bước vào vòng thi đấu gay cấn.
Thạc sĩ Phan Mỹ Linh - đồng sáng lập Liên đoàn Tranh biện Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Là một trong những người "mở đường" cho bộ môn tranh biện tại Việt Nam, bà đánh giá thế nào về kỹ năng hùng biện, tranh biện của học sinh Việt Nam hiện nay?
- Khái niệm tranh biện mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng 7 năm trước. Khi đó, chúng ta rất khó tìm được những bạn học sinh có khả năng tranh biện. Theo thời gian, tôi thấy điều này đã dần thay đổi.
Vài năm trở lại đây, nhiều phụ huynh đã nhận thấy tác động tích cực của tranh biện đối với tư duy và khả năng học thuật của học sinh. Các bạn được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin hơn, từ đó, có nhu cầu thể hiện bản thân và cất lên tiếng nói của mình. Vì vậy, ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm và muốn đầu tư cho con học tranh biện từ sớm.
Tuy nhiên, câu chuyện "nước chảy chỗ trũng" vẫn tồn tại. Tranh biện, đặc biệt là bằng tiếng Anh, mới chỉ tập trung phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM. Do đó, Tiếng nói Xanh đang góp phần giải quyết vấn đề này. Thay vì đặt ra những rào cản như các cuộc thi tranh biện chuyên nghiệp và tập trung tại một vùng nhất định, cuộc thi trao cho thí sinh cả nước cơ hội để cất lên tiếng nói của mình, hỗ trợ các em bước đầu làm quen với lĩnh vực này.
Thạc sĩ Phan Mỹ Linh đào tạo bộ môn hùng biện cho giáo viên THCS và THPT. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Theo bà, học sinh cần những yếu tố gì để trở thành một nhà hùng biện, tranh biện giỏi?
- Đầu tiên, các bạn cần sự tôn trọng và niềm tin từ phụ huynh, nhà trường. Một vấn đề khiến nhiều tranh biện viên phải dừng chân chính là do gia đình không ủng hộ. Để phát huy được khả năng từ bé, học sinh cần một môi trường gia đình và học tập có sự động viên, cho phép được nói và tôn trọng những gì mình đang nói. Môi trường ấy là không gian cho các bạn thể hiện chính kiến và chia sẻ.
Bên cạnh đó, học sinh cần có cơ hội tiếp cận thông tin theo nhiều luồng khác nhau. Chúng ta nên xây dựng khởi điểm cho các em bằng cách chia sẻ nhiều nguồn thông tin, khuyến khích việc đặt câu hỏi và mong muốn khám phá, tìm tòi. Cơ hội tiếp xúc với những kiến thức mới, đa dạng sẽ giúp học sinh có những góc nhìn đa chiều và khách quan hơn, tạo nền tảng cho tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Với vai trò thành viên Hội đồng chuyên môn của "Tiếng nói Xanh", bà cảm nhận như thế nào về quá trình tổ chức và chất lượng thí sinh?
- Khi biết đến Tiếng nói Xanh và được mời đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng chuyên môn, tôi rất vui khi Tập đoàn Vingroup và Quỹ Vì tương lai xanh đã nhận thấy được tầm quan trọng của hùng biện, tranh biện. Tôi ấn tượng với sự quan tâm và đầu tư của đơn vị dành cho cuộc thi, trao giải thưởng tổng giá trị lớn.
Trong hơn 500 ý tưởng của vòng Sơ khảo, chúng tôi đã chọn ra 122 cá nhân, đội thi từ 70 trường học thuộc 32 tỉnh thành trên cả nước. Đó là minh chứng cho thấy cuộc thi đã thành công trong việc bước đầu giúp học sinh tiếp cận và làm quen với hùng biện, tranh biện.
Học sinh trường Trung học Vinschool Grand Park chụp ảnh cùng standee giới thiệu cuộc thi. Ảnh: Vingroup
- Cuộc thi "Tiếng nói Xanh" mang lại điều gì khác biệt cho thế hệ trẻ?
- Các cuộc thi tranh biện và hùng biện tại Việt Nam hiện nay được tổ chức rất chuyên nghiệp và tiệm cận tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra nhiều rào cản cho các bạn mới bắt đầu.
Tôi thấy Tiếng nói Xanh được tổ chức chuyên nghiệp và có vai trò quan trọng trong việc phổ cập kỹ năng hùng biện, tranh biện cho học sinh, điều chúng tôi mong muốn bấy lâu nay. Ban tổ chức cuộc thi đã đến trực tiếp các trường học trên toàn quốc để trao cơ hội cho học sinh.
Qua những cuộc gặp như vậy, các em sẽ được ủng hộ rất nhiều về mặt tinh thần và thời gian khi các thầy cô, nhà trường hiểu được giá trị của cuộc thi. Giáo viên cũng có thể gợi ý, hỗ trợ học sinh hoàn thành bài thi, đồng thời, nhà trường có sự ghi nhận khi các em đạt giải cao. Thông qua cuộc thi, các thầy cô, nhà trường cũng sẽ thấy hùng biện, tranh biện là xu hướng mới.
Bên cạnh đó, thí sinh có cơ hội gặp gỡ và học hỏi trực tiếp từ những chuyên gia hàng đầu Việt Nam, thế giới trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững.
Học sinh trường THPT Việt Đức lắng nghe chia sẻ của ban tổ chức cuộc thi. Ảnh: Vingroup
Ngoài ra, Tiếng nói Xanh có luật thi cởi mở, không có nhiều khó khăn và vẫn bám sát theo những tiêu chuẩn quốc tế. Khoảng cách giữa các thí sinh cũng không quá lớn. Ban tổ chức không đặt nặng yếu tố chuyên môn, tính đối đầu, cạnh tranh để giảm áp lực và giúp thí sinh dễ dàng tham gia giao lưu hơn. Dù chưa có kỹ năng mạnh, các em vẫn có cơ hội chiến thắng nếu có ý tưởng tốt.
- 122 cá nhân, đội thi sẽ bước vào vòng thi Đối đầu sẽ diễn ra trực tiếp tại TP HCM và Hà Nội. Bà có lời khuyên gì chocác học sinh tham gia?
- Trong buổi hội thảo trực tuyến dành cho thí sinh sắp tới, tôi sẽ định hướng cho các bạn về cách chuẩn bị bài trình bày đúng tiêu chuẩn và đầy đủ thông tin nhất. Bên cạnh đó, học sinh sẽ hiểu hơn về thể lệ thi đấu trong vòng Đối đầu, các nguyên tắc cơ bản trong hùng biện, tranh biện và biết bài thi của mình sẽ được chấm điểm theo những tiêu chí nào.
Một điều đặc biệt trong vòng thi này là có rất nhiều bạn lần đầu tiên thi đấu tranh biện, không tránh khỏi tâm lý lo lắng, sợ sệt khi trình bày trước giám khảo, đối mặt với đối thủ. Do đó, buổi trao đổi là cơ hội để tôi chia sẻ cho các em cách giữ tinh thần tự tin, thoải mái, tập trung để có phần thi ấn tượng và nhận được kết quả tốt.
Nhật Lệ