Học sinh thuộc diện tuyển thẳng được chia thành bốn nhóm, theo hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Thứ nhất, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế các cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hoặc phối hợp tổ chức, gồm:
- Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV.START UP).
- Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai.
- Giao thông học đường.
- Viết thư quốc tế UPU.
- Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.
- Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
Nhóm thứ hai là học sinh thuộc một trong 16 dân tộc rất ít người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.
Thứ ba, học sinh là người khuyết tật, bị khiếm khuyết cơ thể hoặc suy giảm chức năng, khiến lao động, sinh hoạt gặp khó khăn.
Cuối cùng, nếu tốt nghiệp THCS tại trường Phổ thông dân tộc nội trú, học sinh cũng được tuyển thẳng vào lớp 10 các trường này.
Thí sinh Hà Nội được hướng dẫn làm thủ tục thi lớp 10, tháng 6/2023. Ảnh: Tùng Đinh
Để được tuyển thẳng, các học sinh thuộc 4 nhóm trên phải thường trú tại Hà Nội, vào một trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh. Nếu không chọn tuyển thẳng, các em phải tham gia kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nếu muốn học lớp 10 công lập.
Nếu muốn đăng ký tuyển thẳng vào các trường THPT tư thục hoặc công lập tự chủ tài chính, thí sinh cần liên hệ và đăng ký trực tiếp với các trường này.
Ngày 24/4, học sinh diện tuyển thẳng nộp hồ sơ tại trường THCS đang học. Sau đó, trường chuyển hồ sơ lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, từ đó nộp về Sở. Chậm nhất ngày 25/5, Sở sẽ công bố danh sách học sinh trúng tuyển thẳng.
Thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trong ba ngày 10-12/7, nộp hồ sơ nhập học từ ngày 19 đến 22/7.
Hà Nội năm nay có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết khoảng 60% học sinh được vào công lập, còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề.
Thanh Hằng