Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 28/6, cho biết như trên.

Năm sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Mục tiêu của chương trình này là hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa. Vì vậy, ngữ liệu trong đề thi có thể lấy từ nhiều nguồn.

"Đề như vậy sẽ hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, đoán đề hay làm theo bài văn mẫu", ông Thưởng nói.

Việc đoán đề thi tốt nghiệp THPT và lan truyền trên mạng xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Năm nay, nhiều người nghi ngờ đề Văn bị lộ, khi đề chính thức có phần giống với các thông tin được phát tán trước ngày thi, như dùng ngữ liệu là bài thơ "Đất Nước", yêu cầu bàn về tôn trọng cá tính.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp, khẳng định không có chuyện lộ, lọt đề Văn.

"Mô tả lan truyền trên mạng không trùng với đoạn trích và lệnh hỏi so với đề chính thức", ông nói. "Số lượng tác phẩm trong chương trình và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả trong đề thi là ngẫu nhiên".

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho rằng kết luận này là có căn cứ. Công an đã xác minh được người phao tin là học sinh lớp 12 ở Hà Nội. Em này thừa nhận thông tin sai sự thật và gỡ bài.

"Tuy nhiên, để phòng ngừa, chúng tôi sẽ chờ quá trình chấm thi và kết quả thi, nếu phát hiện vấn đề sẽ tiếp tục điều tra", ông Chung nói.

thu-truong-1719576436-7063-1719576762.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M5DGj4UzHIJuv3mCQIEY-w

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT chiều 28/6. Ảnh: Thanh Hằng

Về chấm thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, cho biết hướng dẫn chấm môn Văn luôn có phần mở.

"Nếu thí sinh trả lời phương án khác, nhưng vẫn đúng với định hướng, có tính phát hiện thì hội đồng chấm sẽ xem xét việc cho điểm", ông Hà nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói thêm những bài thi Ngữ văn được 8-10 điểm đều có sự sáng tạo, đột phá đặc biệt và được ít nhất hai giáo viên công nhận vì quy trình chấm hai vòng độc lập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 26-28/6. Thí sinh làm 4 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Nhiều giáo viên nhận định đề thi các môn có cấu trúc quen thuộc, độ phân hóa tốt, thí sinh phải rất xuất sắc mới đạt 9 điểm trở lên.

Thứ trưởng Thưởng khẳng định từ năm 2025, kỳ thi tiếp tục thay đổi theo hướng giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy. Bộ sẽ từng bước nâng cao độ phân hóa của đề thi để các trường đại học sử dụng tuyển đầu vào. Hiện, 65% trường xét tuyển chính bằng điểm thi tốt nghiệp.

"Chúng tôi sẽ đề nghị các trường cao đẳng, đại học nghiên cứu, xem xét tăng tỷ lệ tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, việc này phải hài hòa với quyền tự chủ của các trường", ông Thưởng nói.

Từ ngày mai, các địa phương bắt đầu quy trình chấm thi. Điểm thi được Bộ công bố ngày 17/7, thời gian phúc khảo kéo dài 10 ngày sau đó. Thí sinh xem kết quả tốt nghiệp, nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời trong ba ngày 21-23/7.

Năm ngoái, 98,88% trong hơn một triệu thí sinh đỗ tốt nghiệp, là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2015. Hơn 546.000 em đăng ký xét tuyển đại học.

Thanh Hằng - Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022