Nội dung trên nằm trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 19/10.
Với tuyển sinh vào lớp 10, Bộ dự kiến ba phương thức gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức nào thuộc thẩm quyền của địa phương.
Riêng với thi tuyển, để có sự thống nhất trong toàn quốc và hướng tới kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ dự kiến quy định thi ba môn gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp.
Môn thứ ba này do Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học có trường THPT lựa chọn từ các môn có đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.
Môn này sẽ có sự thay đổi hàng năm, được công bố trước ngày 31/3. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc này nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.
Ngoài ra, Bộ còn dự kiến thời gian làm bài ở các môn. Trong đó, môn Ngữ văn 120 phút, Toán 90-120 phút, môn thứ ba 60-90 phút, bài tổ hợp 90-120 phút. Nội dung thi chủ yếu là chương trình lớp 9.
Thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2024. Ảnh: Giang Huy
So với nội dung lấy ý kiến các Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường hồi tháng 9, Bộ đã bỏ việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thứ ba.
Bộ cho biết đã nhận được góp ý từ gần 8.900 trường trung học và 63 Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, 60 địa phương đồng ý phương án thi ba môn vào lớp 10, cho rằng việc này là phù hợp thực tế và giảm áp lực. Gần 8.300 trường học đồng ý với các nội dung dự thảo.
Còn theo khảo sát của VnExpress hôm 4/10 với gần 50.200 người tham gia, 88% cho rằng nên cố định ba môn thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 10% đồng tình phương án thi ba môn, trong đó môn thứ ba được chọn ngẫu nhiên.
Dự kiến quy chế tuyển sinh THCS và THPT được ban hành trước ngày 31/12.
Dương Tâm