Một phụ huynh học sinh tiểu học ở Nhật Bản đã chia sẻ bài tập toán của con trai mình lên mạng xã hội và nhận được sự chú ý lớn của cư dân mạng. Lý do là vì sau khi đọc xong câu hỏi, nhiều người cảm thấy vừa buồn cười, vừa bất ngờ. Đề toán hay ho này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt không chỉ trên mạng xã hội Nhật mà còn ở Trung Quốc.
Bài toán tiểu học có đề bài rất dài như sau: "Đây là câu chuyện của 15 năm trước. Vào một ngày, Sayuri-san bắt chuyến tàu đêm từ ga Ueno. 8 giờ sau, cô ấy đến Nhà ga Aomori đang bị bao phủ bởi tuyết dày. Trên đường đi, mặc dù có rất nhiều hành khách trên tàu nhưng không ai nói một lời nào, chỉ có tiếng gió vang vọng khắp toa. Sayuri-san đã đợi ở nhà ga Aomori trong 20 phút, rồi lại một lần nữa đặt chân lên con tàu đa mang tên Qinghan. Đó là con tàu đi qua eo biển Tsugaru và nối Aomori với tỉnh Hakodate. Sayuri-san nhớ lại quá khứ đau buồn, và khóc khi nhìn những con mòng biển bị đóng băng trên đường đi. Tuy nhiên, eo biển Tsugaru thực sự rất đẹp. Cứ thế, 5 giờ 50 phút trôi qua mà cô không hề hay biết, và Sayuri-san cuối cùng đã đến đích Hakodate. Hãy trả lời: Sayuri-san đến Hakodate lúc mấy giờ?".
Dù rõ ràng chỉ là một bài toán tính thời gian đơn giản, không quá phức tạp nhưng cách đặt đề bài của nó đã khiến người đọc không còn quan tâm đến việc tính toán nữa mà phải đắm chìm vào câu chuyện.
"Có phải tác giả của câu hỏi đang viết tiểu thuyết không? Khi bạn là thầy giáo dạy văn nhưng phải ra đề toán" , một dân mạng bình luận.
"Đề thi kiểu đọc hiểu. Bài kiểm tra toán kiêm luôn kiểm tra văn" , người khác cảm thán.
"Là đề tiểu học thật nhưng dữ liệu dài quá, tôi đọc không hiểu để giải thì phải làm sao", "Đọc còn tưởng mở đầu một cuốn tiểu thuyết trinh thám cơ", "Hơi làm khó các em không nhỉ? Nhiều chữ quá" ,... là một vài bình luận hài hước khác về bài toán.
Có một cư dân mạng Nhật Bản đã cho biết thông tin thêm về đề toán đặc biệt này: "Đây thường là câu hỏi kiểm tra cuối cùng. Nó kiểm tra khả năng đọc văn bản, nắm bắt các điểm chính, trích xuất thông tin và suy luận. Đây là một câu hỏi khó với học sinh tiểu học vì các em phải lọc dữ liệu vì người ra đề đã thêm thông tin không liên quan vào câu hỏi. Người làm phải có tư duy phản biện để biết đâu là dữ liệu cần thiết".
Các bậc phụ huynh sau đó cũng đã tìm ra nguồn gốc của đề toán đậm chất tiểu thuyết này. Nó nằm trong một cuốn sách dạy toán được xuất bản từ năm 2005, có giá 550 yên (khoảng 92.000 VNĐ).